Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới, khơi thông động lực

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, về tổng thể, thể chế kinh tế của Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa cải cách, để thực sự trở thành bệ đỡ cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Với áp lực và thách thức từ bối cảnh bất ổn của kinh tế thế giới, thì đây là thời điểm quan trọng để xem xét, đánh giá thể chế kinh tế của Việt Nam, nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn chuyển sang nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hướng đến trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, cần thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới, khơi thông động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao và bền vững.

Năm 2024 là năm sôi động của kinh tế trong nước với nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Khu vực kinh tế thực cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi và tốc độ tăng trưởng GDP cả năm của nước ta đạt 7,09%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% mà Chính phủ đã đề ra, cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, nền tảng còn chưa vững chắc khi năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực.

Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới, khơi thông động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao và bền vững

Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới, khơi thông động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao và bền vững

Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI tiếp tục lấn át khu vực trong nước, khi chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 63% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, nhưng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế còn chưa tương xứng. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nội địa còn khó khăn, chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ với khu vực FDI để tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Do đó, để tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và 2 con số trong các năm tiếp theo sẽ là mục tiêu đầy thử thách.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: "Mặc dù chúng ta có đủ tiềm năng thực hiện mục tiêu đặt ra, nhưng để duy trì động lực tăng trưởng bền vững, thì bên cạnh thế mạnh truyền thống, cần tạo ra động lực mới, động lực phát triển mang tính chất bền vững như đổi mới sáng tạo. Trong đó, chúng tôi đặc biệt lưu tâm hệ thống thể chế kinh doanh tạo ra nguồn động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới".

Phân tích về dư địa tăng trưởng, chuyên gia kinh tế đánh giá, các động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam đang bị ảnh hưởng từ bối cảnh bất ổn của kinh tế thế giới hiện nay. Trong đó, cả 2 yếu tố, là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI và xuất khẩu, đều sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều bất ổn. Còn khu vực kinh tế tư nhân trong nước và tiêu dùng nội địa cũng sẽ bị ảnh hưởng, do người dân sẽ thận trọng hơn trong tiêu dùng, doanh nghiệp cũng thận trọng hơn thực hiện các dự án đầu tư lớn. Do đó, khu vực kinh tế Nhà nước sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cần khai thác hiệu quả hơn.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam nhìn nhận: "Dường như con đường còn lại của chúng ta là khu vực kinh tế Nhà nước và đặt biệt là đầu tư công. Tuy nhiên, trong đầu tư công cần lưu ý 2 yêu cầu: Một là hỗ trợ được kinh tế tư nhân, để thúc đẩy và hỗ trợ kinh tế tư nhân, giảm bớt rủi ro cho họ. Hai là đầu tư công là mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ sao cho giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đó là 2 yêu cầu quan trọng".

Bên cạnh khu vực kinh tế Nhà nước thì một nội lực khác cần thúc đẩy phát triển mạnh hơn, đó là khu vực kinh tế tư nhân, từ đó góp phần gia tăng sức chống chụi của nền kinh tế với các “cú sốc” bên ngoài. Hiện nay, khu vực tư nhân phải gánh mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nên khó lớn được. Đặc biệt, các mô hình kinh doanh mới, như công nghệ tài chinh - fintech, thương mại điện tử, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp phát triển đột phá.

GS.TS Ngô Thắng Lợi thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang mặc “chiếc áo” thể chế quá chật, không thể lớn lên và bứt phá trong môi trường như vậy: "Hiện nay cơ cấu doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 3,5% tổng doanh nghiệp, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn và việc chuyển đổi từ nhỏ lên lớn rất khó khăn. Do đó, đề nghị ưu tiên chính sách tích tụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lợi nhuận của họ để mở rộng quy mô thì không đánh thuế..."

Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với ma trận thủ tục hành chính chồng chéo, chi phí không chính thức và rủi ro pháp lý tiềm tàng ở mọi cấp độ. Chuyên gia đánh giá, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào cải cách hành chính bề mặt, mà cần một chiến lược cải cách thể chế toàn diện – từ thiết kế chính sách đến thi hành và giám sát thực thi.

TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách Chiến lược Trung ương) đề nghị: "Một điểm yếu cố hữu đã nhận ra nhưng giải pháp chưa hiệu quả, đó là tổ chức thực thi, coi thể chế là điểm nghẽn phát triển tăng trưởng thì tổ chức thực thi là điểm nghẽn của thể chế. Đề nghị giai đoạn tới, đặc biệt năm 2025-2026 tập trung giải pháp. Tôi rất mong Chính phủ có ban chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ là trưởng ban chỉ đạo cắt giảm quy định, điều kiện kinh doanh. Đã có chỉ đạo nhưng không có cơ chế thực thi thực sự mạnh thì khó thực hiện. Kinh nghiệm thời gian qua giao cấp bộ thì khó triển khai".

Như vậy, thúc đẩy cải cách thể chế kinh doanh là giải pháp cấp bách để khơi thông các động lực phát triển, để nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng cao và bền vững. Nếu không giải phóng được năng lực sản xuất, không nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực và bảo vệ quyền làm chủ kinh tế của doanh nghiệp và người dân, thì Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng mà không phát triển. Do đó, cải cách thể chế kinh doanh một cách thực chất, hiệu lực và hiệu quả, đã không còn là lựa chọn, mà là mệnh lệnh phải thực thi trong thời gian tới.

Trung Hiếu/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thuc-day-cai-cach-the-che-kinh-te-trong-boi-canh-moi-khoi-thong-dong-luc-post1191643.vov