Thúc đẩy chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt
Lực lượng công an ở Hà Tĩnh đang phối hợp với bộ phận chính sách xã hội và ngân hàng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ người dân mở tài khoản ngân hàng phục vụ chi trả an sinh xã hội không sử dụng tiền mặt.
Thượng tá Phan Xuân Công, Trưởng Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, nhằm phục vụ mở cao điểm tuyên truyền việc thực hiện chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội, trong những ngày vừa qua, đơn vị đã chỉ đạo Đội QLHC về TTXH bố trí quân số, phối hợp với Công an các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện việc tuyên truyền, vận động người thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội đăng ký tài khoản thực hiện chi trả không dùng tiền mặt.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Hương Khê có 10.172 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội hằng tháng, trong đó mới có 905 người đã đăng ký nhận chi trả qua tài khoản, số còn lại vẫn phải thực hiện chi trả thủ công qua hệ thống bưu điện, ngân hàng.
Với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" trong công cuộc chuyển đổi số, Tổ công tác Đề án 06 huyện Hương Khê đang tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện, hướng tới đạt kết quả 100% đối tượng an sinh xã hội đều được chi trả chế độ qua tài khoản trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tại các địa bàn khác ở Hà Tĩnh, trong những ngày này lực lượng QLHC về TTXH cùng với Công an cơ sở cũng đang tập trung quân số về các xã, phường, thị trấn để vận động người dân thuộc diện hưởng chính sách và hỗ trợ cán bộ cơ sở giúp người dân hoàn thành các thủ tục đăng ký nhận chi trả qua tài khoản.
Lực lượng Công an các cấp phối hợp với ngành LĐ, TB&XH và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chỉ đạo các xã cập nhật cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội, kết nối, chia sẻ dữ liệu an sinh xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 để thực hiện. Các hoạt động này được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên địa bàn toàn tỉnh và đã tạo được hiệu ứng, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, hiện đã thu thập thông tin tài khoản hỗ trợ không dùng tiền mặt của 107.085 đối tượng hưởng chế độ, chính sách. Mặc dù trong thời gian qua, ngành LĐ,TB&XH đã triển khai, đôn đốc thực hiện công tác chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, song tỉ lệ chi trả qua ngân hàng vẫn chưa cao.
Tính đến tháng 12/2023, tỷ lệ đối tượng đã mở thẻ trên toàn tỉnh đạt 18,6% nhưng trong kỳ chi trả 12/2023 tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt chỉ mới đạt 5,36%. Do đó, để triển khai thực hiện và đảm bảo tiến độ theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị liên quan trên địa bàn toàn tỉnh đang quyết liệt, nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp, phấn đấu trước mắt 100% đối tượng đã có tài khoản ngân hàng sẽ được chi trả chế độ không dùng tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán và phấn đấu đến quý 4/2024 sẽ đạt 50 - 60%, trong đó không bao gồm các đối tượng bất khả kháng.
Thượng tá Nguyễn Hữu Cảnh, Trưởng phòng QLHC về TTXH Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm, để đạt được những kết quả khả quan trong việc đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Công an các cấp vẫn là lực lượng tiên phong, nòng cốt. Theo đó, từ số liệu do ngành LĐ,TB&XH phối hợp với chính quyền các cấp về các đối tượng đang hưởng chính sách an sinh xã hội (bao gồm: Bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các trường hợp khác), Công an xã sẽ cập nhật vào phần mềm trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trên cơ sở đó, Công an xã tham mưu UBND cấp xã chỉ đạo Tổ đề án 06 cấp xã đến nhà để khảo sát, xác minh thông tin và vận động tuyên truyền về việc thực hiện chi trả qua tài khoản cho người dân thuộc diện được hưởng, đồng thời phân loại các nhóm trường hợp chính sách an sinh xã hội mong muốn được chi trả trợ cấp qua hình thức tài khoản hay không dùng tài khoản trước khi mở tài khoản. Khi các bước thủ tục hoàn tất, Công an cấp xã sẽ cập nhật, đồng bộ số tài khoản và tên ngân hàng vào phần mềm an sinh xã hội, đồng thời chuyển danh sách đến Phòng LĐ,TB&XH để chi trả theo quy trình hiện hành.
Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Cảnh, không phải đối tượng nào thuộc diện được hưởng chế độ an sinh xã hội cũng bắt buộc họ phải nhận chế độ qua tài khoản, mà có những trường hợp bất khả kháng như người già yếu, không có khả năng đi lại, không có người nhận thay để ủy quyền... Đối với những người này, tổ công tác Đề án 06 sẽ hướng dẫn việc thực hiện chi trả bằng hình thức thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích và đến tận nhà để chi trả tận tay cho người dân được hưởng chính sách.