Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên để quản lý tài nguyên hiệu quả

Mặc dù đã triển khai các sáng kiến, nhưng hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có chi trả toàn diện cho dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước.

Quản lý tốt tài nguyên nhờ cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái

Trên thế giới, chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) đã được công nhận rộng rãi như một công cụ chính sách thành công để quản lý tài nguyên thiên nhiên ở hơn 60 quốc gia.

Các chương trình này đã được áp dụng cho các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau, bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ lưu vực sông, hấp thụ carbon, và vẻ đẹp cảnh quan. Tổng số tiền chi trả hàng năm của các chương trình PES toàn thế giới đạt trên 36 tỷ USD.

Tại Việt Nam, chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai thành công trong hơn một thập kỷ qua, giúp tăng nguồn lực tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng.

Hạ Long chiến đấu với rác trên bãi biển

Những bài học kinh nghiệm từ chi trả dịch vụ môi trường rừng là cơ sở để nhân rộng cơ chế tương tự cho các hệ sinh thái khác, trong đó có môi trường biển và đất ngập nước.

Mặc dù Việt Nam đã triển khai các sáng kiến "giống như PES" cho các hệ sinh thái biển và đất ngập nước, nhưng hiện tại, vẫn chưa có chi trả toàn diện cho dịch vụ hệ sinh thái này. Nhận định này được đưa ra tại hội thảo kỹ thuật về đánh giá và thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên mới đây.

Một số áp dụng PES trong thực tiễn bao gồm thu phí dịch vụ tham quan đối với các khu vực biển và vùng đất ngập nước được bảo vệ, như tại vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Cát Bà, khu bảo tồn biển Cù Lao Cham; mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, hay phát triển các phương pháp nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường ở một số vùng ven biển với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các ngành liên quan.

Đơn cử, Tại Sóc Trăng, hợp tác xã nuôi nghêu Vĩnh Hải chi trả tiền công cho những người tham gia bảo vệ rừng ngập mặn gần bãi nuôi nghêu của hợp tác xã trong giai đoạn 2011 – 2015.

Các công ty chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản tại Cà Mau chi trả cho các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận quốc tế 500.000 – 1.000.000 đồng/ha rừng ngập mặn/năm.

Các yếu tố giúp cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái thành công

Nghiên cứu mới nhất từ Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho thấy sự thành công của các chương trình PES phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, và có thể không phải lúc nào cũng tối ưu hóa chi phí.

Các chương trình này hoạt động tốt nhất khi các dịch vụ được xác định rõ ràng, và những người thụ hưởng được tổ chức tốt. Cùng với đó, các cộng đồng quản lý đất đai và tài nguyên có quyền sở hữu rõ ràng và khung pháp lý vững chắc.

Các hệ thống PES chủ yếu tập trung vào các dịch vụ hệ sinh thái/môi trường có giá trị cao đối với người hưởng lợi, và chi phí cung cấp dịch vụ thấp. Các dịch vụ đầu nguồn, dịch vụ môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hấp thụ carbon và vẻ đẹp cảnh quan là những mục tiêu chính của các chương trình PES trên toàn cầu.

Tuy vậy, tại Việt Nam, hiện chưa có quy định chi trả đối với nhiều dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước như cung ứng thực phẩm, nguồn lợi thủy sản; giảm nhẹ tác động của thiên tai; làm sạch không khí, làm sạch nước; hỗ trợ giao thông, vận tải…

Cùng với đó, các cá nhân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ thường có quy mô nhỏ lẻ, không đăng ký, không khai báo với chính quyền; cũng như chưa có quy định xử phạt với việc không hoặc chậm thực hiện chi trả dịch vụ.

Theo đó, nghiên cứu khuyến nghị cần xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước quốc gia, hỗ trợ đánh giá và đánh giá dịch vụ hệ sinh thái ở cấp cơ sở, và lập bản đồ hiện trạng dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước ở Việt Nam.

Cùng với đó, xây dựng hướng dẫn cho cấp tỉnh và cấp cơ sở đề án cơ chế chi trả, thí điểm chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với hệ sinh thái biển và đất ngập nước, hoàn thiện chính sách, quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, trọng tâm là hệ sinh thái biển và đất ngập nước.

Phương Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thuc-day-chi-tra-dich-vu-he-sinh-thai-tu-nhien-de-quan-ly-tai-nguyen-hieu-qua-1686723007991.htm