Thúc đẩy chuyển đổi phương tiện xe buýt xanh

Với mục tiêu thúc đẩy giao thông xanh, TP Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ nỗ lực chuyển đổi hệ thống xe buýt xanh thông qua việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo. Mục tiêu này giúp tạo bước đột phá trong 'xanh hóa' hệ thống xe buýt, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Xe buýt dầu chuyển thành xe buýt điện

So với các địa phương khác trong cả nước, TP Hồ Chí Minh tiên phong chuyển đổi xe buýt chạy bằng dầu sang khí thiên nhiên nén (CNG) từ rất sớm. Tháng 5-2014, thành phố đã có đề án thay thế 1.680 xe buýt mới gắn với các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn mua phương tiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải. Nhờ đề án này, nhiều doanh nghiệp đã từng bước chủ động xây dựng kế hoạch và mạnh dạn vay vốn đầu tư phương tiện mới. Điển hình như Công ty Cổ phần Xe khách Sài Gòn (SaigonBus) đã đầu tư và vận hành 120 xe buýt chạy bằng khí CNG (chiếm hơn 30% số xe của Công ty đang hoạt động).

Các giải pháp "xanh hóa" hệ thống giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư hưởng ứng mạnh mẽ, nhất là tại các khu đô thị mới, công trình hạ tầng trọng điểm. Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 138 tuyến xe buýt với 2.209 xe, trong đó, 1.663 xe chạy dầu diesel, 528 xe chạy khí CNG và chỉ có 18 xe chạy điện. Năm 2022, thành phố đưa vào vận hành 15 xe buýt điện tuyến D4 (Vinhomes Grand Park-bến xe buýt Sài Gòn). Năm 2023, Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh đã đưa vào khai thác 600 xe taxi điện trên địa bàn thành phố. Để chuẩn bị cho tuyến metro số 1 chính thức vận hành thương mại vào tháng 12-2024, thành phố cũng đang hoàn thiện mạng lưới 17 tuyến xe buýt kết nối sử dụng năng lượng xanh ở các điểm dừng, nhà ga của metro số 1, kịp thời đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, khách du lịch.

Xe buýt điện được đưa vào vận tải hành khách công cộng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Xe buýt điện được đưa vào vận tải hành khách công cộng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đối với lĩnh vực giao thông vận tải cắt giảm được 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm vào năm 2030. Đồng thời, để thực hiện tốt Quyết định số 876/QÐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metal của ngành giao thông vận tải, thành phố đã đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ có khoảng 2.770 xe buýt điện được triển khai, gồm 1.663 xe được thay thế cho các tuyến hiện hữu và 1.108 xe còn lại được đầu tư cho các tuyến mở mới.

Hỗ trợ vay vốn để chuyển đổi

Theo Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức), thành phố cần tái cấu trúc mạnh mẽ mạng lưới xe buýt hiện hữu, đồng thời phát triển mạng lưới xe buýt kết nối với các điểm du lịch, trung tâm các huyện Cần Giờ, Củ Chi gắn với xe buýt năng lượng sạch, tần suất cao trên các hành lang trục chính. Kèm theo các hệ thống này là sự đầu tư bài bản hệ thống trạm sạc, cung cấp năng lượng điện cho xe điện. Đặc biệt, tại huyện Cần Giờ, nơi được xem là lá phổi xanh của thành phố, cần thí điểm tập trung chuyển đổi phương tiện giao thông ít phát thải, sử dụng nhiên liệu sạch, khuyến khích người dân dùng xe điện, xây các trạm sạc điện tại green mobility hub (trạm giao thông xanh); đầu tư, nâng cấp hạ tầng cho người đi bộ, đi xe đạp; đầu tư xe máy điện và 100% số xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch.

Theo ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố, Trung tâm đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi xe buýt truyền thống sang sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đáp ứng tối thiểu theo lộ trình đặt ra. Từ năm 2025, 100% số xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Cùng với chuyển đổi xe buýt xanh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đang triển khai dự án giao thông xanh TP Hồ Chí Minh do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, nhằm xây dựng hành lang tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 với tổng chiều dài 23km. Hành lang này có lộ trình từ phường An Lạc (quận Bình Tân) đến điểm cầu Rạch Chiếc (TP Thủ Đức), là một phần trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông công cộng của TP Hồ Chí Minh.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển giao thông xanh là xu hướng toàn cầu, được các quốc gia trên thế giới triển khai mạnh mẽ. Thực hiện chương trình của Chính phủ và cơ sở, điều kiện, cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15 áp dụng đối với TP Hồ Chí Minh sẽ giúp thành phố phát triển giao thông xanh hiệu quả. Sở Giao thông vận tải thành phố sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp, đối tác trong lĩnh vực "xanh hóa" hệ thống giao thông vận tải. UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng hoàn thiện đề án phát triển giao thông xanh quy mô, với kỳ vọng xe buýt điện sẽ "xanh hóa" xe buýt từ nay đến năm 2030. Điểm nổi bật của đề án này là chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi lớn nhất từ trước đến nay, với tỷ lệ vốn vay 85% cho đơn vị vận tải, lãi suất cố định 3%/năm trong thời gian 7 năm. Đề án này sẽ được UBND thành phố trình HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua nghị quyết tại kỳ họp tháng 12-2024.

BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-chuyen-doi-phuong-tien-xe-buyt-xanh-804384