Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn TP. HCM
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 thuộc 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử, kinh tế số chiếm 25% GRDP. Đến năm 2030, hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Mục tiêu trên được công bố tại Lễ khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số TP. HCM năm 2024 với chủ đề “Công nghệ số - Động lực tăng trưởng mới của TP. HCM”.
Tổng Công ty điện lực TP. HCM là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên được chứng nhận hình thành doanh nghiệp số vào năm 2022. Năm 2023, tổng công ty được đánh giá mức độ chuyển đổi số ở mức nâng cao, mức 4. Quá trình thực hiện chuyển đổi số và xây dựng lưới điện thông minh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Ông Nguyễn Thanh Nhã - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty điện lực TP. HCM chia sẻ: "Với việc chuyển đổi số như này, công việc được thực hiện có quy trình, có quy định, có lộ trình, có hướng dẫn và đánh giá được hiệu quả người ta thực hiện. Thứ hai là với khách hàng, nó đem lại hiệu quả rất lớn, như ở Thành phố Hồ Chí Minh là khách hàng hầu như không thấy bị mất điện nữa. Người ta sẽ biết được thời điểm mất điện và thời điện có điện lại là khi nào. Như vậy, người ta rất yên tâm trong hoạt động sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp."
Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã tập trung hoàn thành nhiều nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số như thúc đẩy phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm như thương mại điện tử, giao thông vận tải, logistic, tài chính - ngân hàng, năng lượng, du lịch. Tuy nhiên, bài toán khó đang đặt ra với TP. HCM hiện nay là chính sách và giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Vũ Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội tin học TP. HCM cho biết: "Chúng tôi phải đưa phương án đến từng quận huyện, cùng phối hợp với các doanh nghiệp tại các quận huyện để có bước triển khai tập huấn cũng như trải nghiệm để doanh nghiệp có thể là cài và sử dụng app. Lần đầu có thể không phù hợp lắm, thì một hai lần chúng ta có thể tiếp cận với các giải pháp. Và chúng ta thấy rằng, sự lựa chọn của chúng ta tăng lên. Chúng ta có thể sử dụng thử hai ba giải pháp giải quyết vấn đề, khi thấy giải pháp nào phù hợp nhất thì chúng ta giữ lại, chúng ta chọn."
Bên canh đó, TP. HCM sẽ cung cấp công cụ quản lý đầy đủ thông tin về tổ chức khu phố, ấp và ban quản trị của khu phố, ấp; Ứng dụng công dân số, cung cấp công cụ để người dân tương tác với chính quyền địa phương, tiếp nhận thông tin chính thống trong triển khai các chính sách, chủ trương. Hiện, những nền tảng số này đang thực hiện thủ tục giai đoạn đầu tư, dự kiến quý I/2025 đưa vào sử dụng.
Trong thời gian tới, TPHCM sẽ vận dụng nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển nhanh nguồn nhân lực số để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia các lĩnh vực có tính chiến lược như phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số, nhất là công nghiệp bán dẫn, phát triển các khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung.