Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động cấp nước
Thời gian qua, các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cấp nước tập trung đã thực hiện tốt mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) bằng cách tích cực đầu tư, ứng dụng công nghệ, sử dụng phần mềm tiện ích trong khâu quản lý, giao dịch với khách hàng. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực hoạt động, chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về nước sạch.
Tại Công ty CP Cấp nước Miền Trung (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương) toàn bộ hệ thống giám sát, điều khiển tại đây đều được ứng dụng công nghệ hiện đại và tự động hóa. Nhằm tối ưu hóa cách thức quản lý tài nguyên cũng như dễ dàng cập nhật thông tin, công ty đã áp dụng phần mềm quản lý trên mạng lưới cấp nước Aquasoft và bản đồ eKMap giúp khai thác đúng thông tin mạng lưới cấp nước, từ đó đảm bảo tính chính xác trong khâu quản lý. Ngoài ra, công ty có riêng Phòng Quản lý chất lượng nước theo tiêu chuẩn ISO 17025 để kiểm soát chất lượng nước mỗi ngày, đảm bảo nước cung cấp ra đều đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ Y tế. Công ty còn sử dụng phần mềm City Work để quản lý thông tin khách hàng trên nền tảng điện toán đám mây, giúp việc chăm sóc khách hàng trở nên tiện lợi, nhanh chóng và có thể thực hiện ngay trên máy tính và điện thoại thông minh. Không chỉ vậy, phần mềm này còn được công ty tận dụng trong các công tác quản lý kế toán, tài chính... giúp công ty dễ dàng chuyển đổi phương thức phát hành hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử.
Để đảm bảo thuận tiện cho khách hàng cũng như bắt kịp xu thế phát triển 4.0, công ty còn áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mà thông qua các tài khoản ngân hàng và ví điện tử. Hiện nay, có hơn 90% khách hàng của công ty đã thanh toán tiền nước qua ngân hàng.
Giám đốc Công ty CP Cấp nước Miền Trung Hoàng Xuân Quang cho biết: “Để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, các công ty cấp nước nói chung cần bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung nhiều hơn vào CĐS để các công tác quản lý sản xuất nước, quản lý khách hàng, quản lý tài chính, kế toán... được nhanh gọn, thuận tiện, tiết kiệm cả thời gian lẫn nhân lực”.
Mạng lưới cấp nước sạch của công ty đã trải khắp 9 xã thuộc huyện Quảng Xương với mức tiêu thụ bình quân của người dân 2.500m3/ngày đêm. Tính từ đầu năm đến nay, nhà máy đã phát triển mới được hơn 1.000 khách hàng, mức tiêu thụ nước bình quân cũng tăng khoảng 5.500m3/ngày đêm, tỷ lệ thất thoát nước sạch giảm ở mức dưới 11%.
Là đơn vị cung cấp nước sạch lớn cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa hiện đang quản lý, vận hành 7 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất thiết kế 85.020m3/ngày đêm. Hiện trung tâm đã phối hợp cùng nhà mạng viễn thông VNPT giúp khách hàng dễ dàng tra cứu hóa đơn tiền nước ngay trên trang web của trung tâm và cả của VNPT, giúp khách hàng thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ.
Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa Lê Văn Nghĩa cho biết: “Công tác CĐS tại trung tâm hiện mới chỉ đang ở bước đầu, vì hoạt động cấp nước chủ yếu tại nông thôn nên nhận thức và độ tiếp cận thông tin của khách hàng vẫn còn tương đối hạn chế. Tuy nhiên, trung tâm thường xuyên phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích, từ đó nâng cao hiểu biết về CĐS trong sử dụng nước sạch. Ngoài ra, trung tâm luôn chủ động nâng cao năng lực bằng cách học hỏi kinh nghiệm CĐS từ các đơn vị khác, hợp tác với các doanh nghiệp phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực cấp nước để áp dụng tối ưu các giải pháp mới nhất về công nghệ, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ cho trung tâm".
Việc đẩy mạnh CĐS trong hoạt động cấp nước tập trung đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, đơn vị cấp nước như: Tăng năng suất lao động, giảm bớt nguồn nhân lực; giảm tối đa chi phí trong quản lý, vận hành, sản xuất; giảm thiểu sai sót, thất thoát nước và gian lận trong hoạt động cấp nước; rút ngắn các thủ tục, quy trình trong lĩnh vực cấp nước... Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, góp phần gia tăng doanh số, mở rộng thị phần khách hàng.
Với mục tiêu đến năm 2025, Thanh Hóa phấn đấu có 98,5% tỷ lệ dân số nông thôn, miền núi được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có 65% dân số nông thôn, miền núi sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Để đạt được kết quả đó, các đơn vị cấp nước cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, đồng thời đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới. CĐS phải được các nhà máy xác định là mắt xích quan trọng trong tiến trình phát triển, từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về nước sạch.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-cap-nuoc-223461.htm