Thúc đẩy đầu tư nước ngoài: Hướng tới giai đoạn bứt phá mới

Sau gần 40 năm mở cửa, đón dòng vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI), đến nay, Việt Nam đã thu hút gần 500 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Khu vực kinh tế có vốn FDI đã và đang đóng góp khá toàn diện vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, thông qua tạo việc làm, đóng góp ngân sách, tham gia xuất khẩu, chuyển giao công nghệ.

Hiện nay, Việt Nam vẫn nổi lên là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế và vấn đề đặt ra là tiếp tục nâng cao chất lượng, tiến tới một giai đoạn mới, bứt phá trong thu hút và sử dụng vốn FDI.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Số vốn giải ngân quý I-2024 cao nhất trong 5 năm qua

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký trong quý I-2024 đạt gần 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. "Thực tế trên là sự tiếp nối đà phục hồi từ thời gian trước sang quý I năm nay và đạt mức tăng ấn tượng nhờ môi trường đầu tư luôn được cải thiện, hấp dẫn, với nhiều ưu thế vượt trội mà Việt Nam có được", Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga phân tích.

Bên cạnh đó, vốn FDI giải ngân trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là số vốn giải ngân trong 3 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 5 năm qua. Đó cũng là căn cứ để các chuyên gia nhận định, thu hút FDI thật sự là điểm sáng, đóng góp vào kết quả tích cực của nền kinh tế trong quý I, tạo khởi đầu thuận lợi cho cả năm 2024. Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp FDI đối với những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.

Hiện, khu vực FDI đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, khoảng 50% sản lượng công nghiệp, hơn 20% Tổng sản phẩm trong nước (GDP), tạo hơn 2 triệu việc làm và đem lại thu nhập cho người lao động…

Hơn thế, thực tế cho thấy giới đầu tư quốc tế đang chuyển hướng, tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường và đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Đơn cử, từ quý IV-2023 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội ở lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn…, trong đó nổi lên một số dự tính về sản xuất chip bán dẫn. Chính phủ cũng chủ trương triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao (đến năm 2030) phục vụ tất cả các công đoạn trong chuỗi giá trị liên quan đến ngành sản xuất nói trên.

Tiến lên một đẳng cấp mới

Qua những dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao chắc chắn chất lượng FDI sẽ tiến lên một đẳng cấp mới, với sản phẩm đạt chất lượng, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn so với giai đoạn trước. Tiếp theo sẽ là sự tăng tiến về năng lực cạnh tranh, uy tín của nền kinh tế Việt Nam lên nấc thang mới trong các bảng xếp hạng quốc tế… Đây là chuyển biến rất tích cực và có sức lan tỏa rộng lớn, nhờ sự dịch chuyển trong cách nhìn, tiếp thu và phát huy, ứng dụng công nghệ hiện đại trên phạm vi cả nước. Những kết quả này hỗ trợ quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; hoàn toàn phù hợp, đáp ứng chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, với thế mạnh về vốn, công nghệ và quản lý, doanh nghiệp FDI hoàn toàn có thể tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Trên thực tế, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục khẳng định sự hiện diện lâu dài ở Việt Nam, trong đó ngày càng quan tâm, chủ động triển khai những dự án có công nghệ hiện đại, sẵn sàng chia sẻ nghĩa vụ xã hội, hướng tới phát triển bền vững, vì con người, trên cơ sở thân thiện với môi trường.

Đến nay, 80% doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở hoặc chi nhánh tại Việt Nam đã xây dựng chiến lược ESG (tiêu chí quan trọng nhất của tăng trưởng xanh gồm: Hòa nhập xã hội, hệ sinh thái môi trường và quản trị) và 34% doanh nghiệp đã tích cực hiện thực hóa ESG ở các địa phương. Ngoài ra, có 60% doanh nghiệp cho biết đã phân bổ ngân sách cho các sáng kiến phục vụ ESG; 2/3 số doanh nghiệp xác nhận đã xem xét các vấn đề về phát triển bền vững. Đặc biệt, 46% số doanh nghiệp có mục tiêu ESG thể hiện cam kết rõ ràng bằng cách đặt mục tiêu kèm theo thời gian thực hiện cụ thể. Đáng nói, có nhiều doanh nghiệp FDI đang tập trung cải thiện phúc lợi của nhân viên và công bằng xã hội. Những số liệu, thực tế trên thể hiện rõ mức độ nhận thức và sự tự nguyện triển khai những hoạt động phục vụ tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vì mục tiêu lâu dài.

Về chuyển đổi số, sử dụng năng lượng sạch, khu vực doanh nghiệp FDI cũng đang dẫn đầu, nhằm kết hợp mục đích tăng trưởng xanh với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này có tác động lan tỏa và kích thích doanh nghiệp trong nước tham khảo, từng bước có những động thái tương tự. Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp FDI phải tiên phong hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực phát triển bền vững, ủng hộ xây dựng và thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, cũng như thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.

Tiếp tục nâng lượng và tăng chất

Xác định rõ tầm quan trọng của FDI đối với tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 667/QĐ-TTg (ngày 2-6-2022) phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030; trong đó nhấn mạnh nội dung thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Có thể nói đó là định hướng rõ ràng để các cơ quan, đơn vị hữu quan triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ một cách thiết thực, hiệu quả, nhằm nâng lượng, tăng chất của hoạt động FDI. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam chủ động xây dựng hệ sinh thái phục vụ việc hình thành, phát triển ngành bán dẫn, trong đó mời gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Việt Nam chủ động hợp tác, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các dự án…

Trong khi đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đang phối hợp chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ nổi tiếng trong nước và quốc tế, như Viettel, FPT, Intel, Qualcomm… thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực, tìm kiếm nhân tài, xây dựng hệ sinh thái phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn.

Trong một động thái mới, đoàn doanh nghiệp gồm 50 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ thuộc các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, hàng không, công nghệ, ngân hàng, thực phẩm… vừa thăm Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Theo đó, một số nội dung quan trọng đã được trao đổi hoặc ký kết biên bản ghi nhớ với trị giá ban đầu là hàng trăm triệu USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong thu hút và sử dụng FDI. Phương châm bao trùm là chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong cuộc đua thu hút FDI, khuyến khích tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững. Kết quả tích cực về hoạt động này sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tiếp đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững ở quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như ở cấp độ doanh nghiệp.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuc-day-dau-tu-nuoc-ngoai-huong-toi-giai-doan-but-pha-moi-662966.html