Thúc đẩy đầu tư tư nhân, mở ra không gian tăng trưởng mới

Đầu tư tư nhân là dư địa để mở ra một không gian tăng trưởng mới, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Điều này không chỉ giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng ở ngưỡng cao 7% cho cả năm 2024 mà còn là nền tảng cực kỳ quan trọng cho năm 2025 cũng như giai đoạn sắp tới. Đây là nhận định của TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cao của Việt Nam trong năm 2024 cũng như thời gian tới.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

PV: Thưa ông, sau khi những số liệu kinh tế quan trọng của 6 tháng đầu năm 2024 được công bố, một số tổ chức, chuyên gia đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu “nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức cận trên từ 6,5 - 7%”, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Ông đánh giá thế nào về khả năng đạt mục tiêu này?

TS. Lê Duy Bình: Những kết quả của 6 tháng đầu năm, đặc biệt là quý II/2024 đã thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như của doanh nghiệp, người dân trong việc phục hồi và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đầu tư công, du lịch, tiêu dùng, thu hút FDI… Đây là cơ sở để chúng ta kỳ vọng vào mức tăng trưởng 6,5% - 7% cho cả năm 2024.

Tuy nhiên, trong các động lực tăng trưởng, đầu tư tư nhân đang là điểm yếu. Việc có đạt được ngưỡng tăng trưởng cao là 7% hoặc hơn hay không phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của lĩnh vực này. Đầu tư công cũng chỉ có giới hạn, không thể mở rộng mãi, hơn nữa còn có ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô. Đầu tư của nước ngoài có những hạn chế nhất định. Quan trọng nhất là phải phát huy được vai trò của đầu tư tư nhân.

Để đạt tốc độ tăng trưởng như hiện nay, thực tế chúng ta đã dựa vào những khoản đầu tư trong quá khứ. Để có tăng trưởng cho tương lai, thì kế hoạch đầu tư phải được thực hiện liên tục, gối đầu. Khu vực tư nhân hiện nay đáp ứng được nhu cầu sản xuất đang phục hồi của thị trường thế giới là dựa vào năng lực họ đã gây dựng những năm trước. Tương tự, Chính phủ hiện nay rốt ráo đẩy mạnh đầu tư công để 3, 4 năm tới sẽ nâng cao năng lực của cơ sở hạ tầng. Do đó, nếu chúng ta không chuẩn bị cho tương lai thì sẽ lỡ nhịp phát triển.

PV: Vậy làm thế nào để thúc đẩy đầu tư tư nhân gia tăng mạnh mẽ hơn nữa, thưa ông?

TS. Lê Duy Bình: Để đầu tư tư nhân gia tăng một cách mạnh mẽ thì phải nhìn rõ nguyên nhân để có giải pháp. Thời gian qua, có thể thấy số dự án đầu tư tư nhân quy mô lớn của những doanh nghiệp lớn được khởi công không nhiều như trước đây. Nhiều quyết định của các nhà đầu tư bị trì hoãn vì những e ngại rủi ro pháp lý, vướng mắc thủ tục hành chính…

Với những doanh nghiệp nhỏ, môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, thông thoáng cũng là yếu tố quyết định tạo ra nhiệt huyết cho người khởi nghiệp. Theo số liệu 6 tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động ở mức thấp so với số doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng hoạt động… Điều này cho thấy sự tự tin khởi nghiệp không cao.

Như vậy, để thúc đẩy đầu tư tư nhân thì cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vẫn là yếu tố cơ bản, mang tính nền tảng, dù với những doanh nghiệp siêu nhỏ hay những tập đoàn trị giá nhiều nghìn tỷ.

Trong báo cáo của Tổng cục Thống kê, 40% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh doanh sẽ tốt hơn trong những tháng cuối năm, có nghĩa là 60% còn lại cho rằng triển vọng kinh doanh không thay đổi, hoặc kém hơn. Như vậy, doanh nghiệp vẫn còn e dè, chưa chắc chắn.

Lúc này, cần một sự tự tin của các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ các quyết định đầu tư, phê duyệt các dự án của doanh nghiệp. Khi đó doanh nghiệp cũng tự tin khi quyết định bỏ vốn đầu tư, người lao động có việc làm cũng sẽ tự tin trong tiêu dùng, mua sắm… Tất cả những yếu tố đó sẽ tạo ra sự hứng khởi mới cho nền kinh tế.

PV: Liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính có nêu quan điểm năm 2025 nên tiến tới thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt để nâng cao sức mạnh tài chính công. Cùng với đó, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp qua các chính sách cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Ông cho rằng điều này có tác động thế nào đến thúc đẩy đầu tư tư nhân?

TS. Lê Duy Bình: Định hướng này là hợp lý, bởi việc hỗ trợ kéo dài trên diện rộng không nên tiếp tục mãi. Tính hiệu quả của chính sách này chỉ phù hợp trong bối cảnh nhất định. Về mặt quản lý, vai trò của ngân sách nhà nước là đảm bảo các nhiệm vụ chi cơ bản cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng…, còn việc hỗ trợ doanh nghiệp thì chỉ trong thời gian, tình huống nhất định.

Thực tế, điều doanh nghiệp mong muốn nhất cũng không phải là sự hỗ trợ bằng tiền từ nhà nước mà là môi trường đầu tư, là không gian để doanh nghiệp phát triển. Do đó, định hướng hỗ trợ, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp bằng các chính sách tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh là rất đúng.

Bên cạnh đó, cần có những cơ chế để nguồn vốn đầu tư công có thể là đòn bẩy hiệu quả cho khu vực tư, chẳng hạn như chính sách về thu hút đầu tư PPP. Khi đó, một mặt ngân sách bớt gánh nặng về đầu tư hạ tầng, dành nguồn đó cho giáo dục, y tế. Mặt khác, khu vực tư nhân lại có thêm không gian để phát triển.

Vì thế, tôi cho rằng những chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, giãn, hoãn nộp thuế cũng chỉ nên kéo dài hết năm nay. Nền kinh tế hiện đã quay trở lại điều kiện bình thường thì các biện pháp hỗ trợ trong tình huống bất thường cũng nên dừng, để các chính sách thuế quay trở về với đúng bản chất, mục tiêu của nó. Nếu chúng ta cứ tiếp tục tư duy hỗ trợ trên diện rộng và cho tất cả các doanh nghiệp thì không phù hợp với nguyên tắc thị trường. Nếu có, nên chăng tập trung vào những lĩnh vực đang cần khuyến khích như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo…

Tuy nhiên, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Chính sách tài khóa thu hẹp lại trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để đảm bảo sức mạnh ngân sách, cân đối vĩ mô. Những năm qua, chính sách tài khóa đã gánh phần lớn trong hỗ trợ kinh tế thì bây giờ chính sách tiền tệ phải phát huy vai trò của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường. Lúc này thị trường tiền tệ, lãi suất, thị trường vốn phải vận hành như thế nào để đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp là bài toán cần phải tính đến.

PV: Xin cảm ơn ông!

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% cần nỗ lực hơn rất nhiều

“Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn trong điều hành để thúc đẩy đầu tư công, kích thích tiêu dùng… Việc đưa các luật liên quan đến bất động sản vào thực thi sớm cũng là một trong những nỗ lực để gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, một cấu phần quan trọng của nền kinh tế. Đó là lý do dự báo tăng trưởng năm 2024 đã được điều chỉnh cao hơn. Tuy nhiên, để đạt ngưỡng 7% cho năm nay và mức cao cho cả năm 2025 cần sự nỗ lực hơn rất nhiều” - TS. Lê Duy Bình.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-day-dau-tu-tu-nhan-mo-ra-khong-gian-tang-truong-moi-155706-155706.html