Thúc đẩy đọc sách trong kỷ nguyên số

Từ ngày 1 - 7/10, các trường học có nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào đọc sách, nâng cao văn hóa đọc...

Học sinh Hà Nội đọc sách trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024.

Học sinh Hà Nội đọc sách trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024.

Trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” từ ngày 1 - 7/10, các trường học có nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào đọc sách, nâng cao văn hóa đọc.

Mở rộng tầm nhìn từ văn hóa đọc

Phát triển văn hóa đọc cho học sinh luôn được các trường đặc biệt quan tâm. Cô Nguyễn Thị Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trực (Nam Trực, Nam Định) cho biết, nhà trường luôn chú trọng tuyên truyền tầm quan trọng của việc đọc sách, xây dựng văn hóa đọc đối với cán bộ, giáo viên và học sinh.

Những năm qua, đơn vị đã thực hiện hiệu quả việc phát triển thư viện, xây dựng phòng đọc, bổ sung các đầu sách, triển khai cho 100% học sinh đăng ký mượn sách tại thư viện. Bên cạnh đó, trường đặc biệt chú trọng xây dựng thư viện trực tuyến, giới thiệu sách trong thư viện trực tuyến để giáo viên và học sinh tìm đọc, tra cứu tài liệu.

Hằng năm, trường tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thông qua các cuộc thi như: “Sách hay cùng chia sẻ” (năm 2021), “Sách - Khát vọng cống hiến” (năm 2022), “Sách - Cho bạn, cho tôi” (năm 2023)..., thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia.

Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”, nhà trường tổ chức khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 vào ngày 30/9 trong tiết Sinh hoạt dưới cờ đầu tuần; đồng thời kêu gọi, phát động tiếp tục xây dựng tủ sách lớp học; tổ chức hoạt động đổi phế liệu lấy sách của câu lạc bộ Sức sống xanh...

Ý thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc, Trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cũng có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực hưởng ứng Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Từ đó, cán bộ thư viện nhà trường tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường.

Trong đó, phong trào góp sách, tặng sách luôn được học sinh hưởng ứng nhiệt liệt. Hành động nhỏ nhưng mang giá trị lớn lao, từ đó, các em học được những bài học đạo đức trong đó về sự chia sẻ, tái chế sách và lan tỏa kiến thức tới bạn bè.

Nguyễn Ngọc Linh - học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Quang Trung chia sẻ: Em tin rằng mỗi cuốn sách đều mang lại những điều kỳ diệu. Sách không chỉ là kho tàng tri thức, mà còn như người bạn đồng hành giúp chúng em khám phá thế giới, mở rộng tầm nhìn.

Trong quá trình học tập, em và các bạn thường xuyên được thầy cô động viên, khuyến khích tự giác học tập. Các thầy cô cũng tổ chức hoạt động như giới thiệu sách, trải nghiệm tại thư viện. Nhờ những hoạt động này, chúng em được tiếp xúc với nhiều cuốn sách hay, tìm thấy những kiến thức bổ ích để vận dụng vào giờ học và cuộc sống.

 Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Duy trì thói quen

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa to lớn cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách đối với phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Thế nhưng, sau 10 năm, thói quen đọc sách của người Việt ít tiến triển dù lượng sách phát hành năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách.

Số lượng quyển sách đọc được khoảng 4 quyển/năm nhưng trong số đó có hơn 3 cuốn là sách giáo khoa, sách tham khảo, nghĩa là người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách/năm và thời gian dành cho đọc sách khoảng 1 giờ/ngày, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Đây là thực trạng đáng báo động trong giới trẻ.

Một phần nguyên nhân do các bạn trẻ phải dành quá nhiều thời gian cho việc học nên những nhu cầu giải trí trong đó có đọc sách cũng bị hạn chế. Mặt khác, trong thời đại ngày nay, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng.

Chính vì vậy, những năm qua, các dự án, chương trình, cuộc vận động của nhiều tổ chức diễn ra dưới các hình thức như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Trạm đọc, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc... nhằm tăng thêm niềm đam mê và sự yêu thích đọc sách của các bạn trẻ. Tuy nhiên, thực tế diễn ra chưa đồng đều ở tất cả địa phương cũng như các trường học.

Bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT chia sẻ: Trong quá trình xây dựng xã hội học tập, không thể không nói đến việc đọc sách. Đọc sách là biện pháp tốt nhất để thúc đẩy học tập suốt đời, từ đó xây dựng thành công xã hội học tập. Duy trì thói quen đọc sách cho học sinh rất quan trọng trong các nhà trường hiện nay.

Với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 đề cao ý nghĩa, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hình thành thói quen đọc sách, đam mê đọc sách và lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thuc-day-doc-sach-trong-ky-nguyen-so-post703353.html