Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Đổi mới sáng tạo đang được xem là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Không nằm ngoài xu hướng đó, cộng đồng doanh nghiệp Ninh Bình đã và đang nỗ lực thực hiện đổi mới sáng tạo nhằm đưa nền kinh tế phát triển bền vững.

Dây chuyền sản xuất đồ hộp tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (thành phố Tam Điệp). Ảnh: Anh Tuấn

Dây chuyền sản xuất đồ hộp tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (thành phố Tam Điệp). Ảnh: Anh Tuấn

Những tấm gương tiên phong đổi mới

Nổi bật trong việc đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải kể đến Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). Được thành lập từ năm 1955 với cái tên Nông trường quốc doanh Đồng Giao, trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ngày càng khẳng định được thương hiệu DOVECO trên thị trường trong nước và quốc tế, hoạt động theo mô hình khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, Công ty là một trong những đơn vị chế biến rau quả hàng đầu cả nước với 3 trung tâm chế biến rau quả hiện đại là nhà máy DOVECO Ninh Bình; DOVECO Gia Lai và DOVECO Sơn La, với công suất chế biến 136.000 tấn sản phẩm/năm. Các dây chuyền sản xuất tại 3 trung tâm chế biến rau quả đều sử dụng công nghệ hiện đại, gồm công nghệ cấp đông IQF có thời gian làm lạnh siêu tốc từ 70-100 giây; công nghệ concentrate, puree (cô đặc và xay nhuyễn trái cây) đều là những công nghệ tiêu thụ điện năng thấp, hạn chế sự phát thải khí nhà kính mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng.

Giai đoạn 2021-2023, doanh thu của Công ty tăng trưởng mạnh, năm 2023 ước đạt 2.800 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 60 triệu USD. Mặc dù nền kinh tế thế giới bị suy giảm song Công ty vẫn nỗ lực bứt phá, tăng trưởng 180% và là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường EU. Hiện Công ty xuất khẩu sản phẩm đi hơn 55 nước với thị trường chính là EU, Isarel, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Sản phẩm cô đặc puree, đông lạnh và đóng hộp.

Công ty dự kiến năm 2024 sẽ triển khai thành lập Trung tâm nghiên cứu sản xuất giống rau quả công nghệ cao và Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng nông sản, tập trung phát triển giống dứa MD2 thay thế cho dứa Queen. Với những nỗ lực trong đổi mới sáng tạo, DOVECO được biết đến là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành nông sản Việt Nam, là cầu nối giữa thị trường nông sản quốc tế với các công ty thương mại, nhà sản xuất, người nông dân và người tiêu dùng trong nước; là doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới công nghệ, quản lý tài chính để tạo lợi thế cạnh tranh vượt bậc với những giải pháp ưu việt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Một tấm gương tiêu biểu khác trong đổi mới sáng tạo là ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang, thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh). Từ một người kinh doanh chuyên cung cấp giống lúa chuyển sang làm "nhà khoa học" trong khi vốn liếng ít, kiến thức hàn lâm không có, nhưng có sự mạnh dạn, kiên định, được các nhà khoa học trong nước giúp sức, ông Quang và cộng sự đã tạo ra nhiều giống lúa mới cho nông dân. Năm 2022, ông vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là "Nhà Khoa học của nhà nông".

Đến nay, ông Phùng Văn Quang đã nghiên cứu thành công và công bố 5 loại giống lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao là: Phú ưu 1; CRN 5104; QR1; DQ11; lúa Nếp hương và Giống lúa Hương Bình-tạo nên thương hiệu gạo Hương Bình cho mảnh đất Ninh Bình.

Với 23 năm miệt mài nghiên cứu tạo ra nhiều giống lúa tốt, ông Quang luôn ghi nhớ về triết lý kinh doanh và làm khoa học của đôi bên-Làm gì thì làm, trước hết phải làm lợi cho đôi bên, nông dân có lợi, doanh nghiệp có lợi. Do đó ông luôn nắm bắt thời cơ và thực hiện tốt sự liên kết 4 nhà: Nhà nước-Nhà khoa học-Nhà doanh nghiệp-Nhà nông để đạt được những thành quả to lớn với con đường đi ngắn hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Có thể thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh Ninh Bình nói chung và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng những năm qua đã hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp, quản trị số. Công tác xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học công nghệ từng bước được đẩy mạnh, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ, hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, khuyến khích hợp tác trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Cần có lộ trình để doanh nghiệp thực hiện

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, Ninh Bình hiện có hơn 6.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với trên 170 nghìn lao động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90%. Trong những năm gần đây, Ninh Bình luôn duy trì tốc độ tăng trưởng nằm trong top cao của cả nước và khu vực Đồng bằng Sông Hồng, đã tự cân đối được ngân sách, có điều tiết ngân sách về Trung ương. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và nhập cuộc vào nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, để khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới sáng tạo, chính quyền các cấp cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa và đề ra lộ trình thực hiện. Mới đây, phát biểu tại cuộc làm việc giữa Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình với Bộ Thông tin và Truyền thông về đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư để tỉnh trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Ninh Bình phải mạnh dạn đi trước, làm trước để tạo đột phá. Theo đó, tỉnh Ninh Bình cần tăng cường ngân sách đầu tư cho các sản phẩm mới, công nghệ mới, tạo ra thị trường hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp số, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo về đầu tư, tìm kiếm cơ hội phát triển; quan tâm đầu tư một số yếu tố nền tảng, hạ tầng, nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cần và phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có.

Với vai trò đại diện cho các doanh nghiệp, trong thời gian tới, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho hội viên, hoặc tổ chức các hoạt động giao lưu truyền đạt kinh nghiệm giữa các hội viên. Tổ chức tham quan, khảo sát thực tế theo chương trình các khóa học, quan tâm đến chất lượng, nội dung, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp như: kỹ năng bán hàng, phong cách lãnh đạo, tin học ứng dụng, xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, lập dự án vay vốn, tư vấn hành lang pháp lý và kiểm soát nội bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán, kỹ thuật trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh...

Với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các chính sách đồng bộ của Nhà nước, Ninh Bình đã và đang từng bước thực hiện mục tiêu đề ra tại Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là: Đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại. Một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía Nam vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuc-day-doi-moi-sang-tao-trong-doanh-nghiep/d20240618081925273.htm