Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Từ các nghị quyết chiến lược như Nghị quyết 52-NQ/TW về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ, đến hàng loạt các chương trình quốc gia khác đang thực sự tạo nên những luồng sinh khí mới.

Hoạt động nghiên cứu tại Công ty Cổ phần MISA.

Hoạt động nghiên cứu tại Công ty Cổ phần MISA.

Tuy nhiên, để sớm đạt mục tiêu đặt ra, đang rất cần những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong việc tiếp cận khoa học công nghệ, chuyển đổi số và vốn.

Những rào cản

Ông Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, có hai rào cản của doanh nghiệp làm khoa học-công nghệ, đó là tài chính của bản thân các doanh nghiệp rất hạn chế và cơ chế tài chính, những thiết chế tài chính để hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo và hoạt động ứng dụng khoa học-công nghệ còn khó khăn.

Tập đoàn BKAV là một thí dụ, khi từ một nhóm nhỏ nghiên cứu phần mềm miễn phí, đến nay đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh Bphone, phần mềm diệt virus, hệ thống an ninh mạng...

Những sản phẩm này có hàm lượng chất xám lớn, được nghiên cứu bài bản và mang đậm dấu ấn trí tuệ Việt Nam. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực và chủ động, vẫn gặp khó khăn nghiêm trọng về vốn khi chuyển sang giai đoạn thương mại hóa và mở rộng thị trường.

Ở Việt Nam, Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia sau gần 19 năm hoạt động mới chỉ giải ngân được khoảng 200 triệu USD-trung bình mỗi năm khoảng 10 triệu USD- một con số quá nhỏ so với nhu cầu thực tế và so với những gì các quốc gia khác đang làm.

(Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn BKAV)

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn BKAV phân tích, vấn đề nằm ở việc đầu tư cho khoa học-công nghệ không bao giờ là đủ. Một doanh nghiệp đơn lẻ, dù tâm huyết đến đâu, cũng không thể "ôm trọn" chuỗi đầu tư từ nghiên cứu-sản xuất-thương mại hóa-mở rộng thị trường.

Đây phải là cuộc chơi của cả hệ thống, cả xã hội, như cách mà các quốc gia đi trước đã thực hiện. Dẫn chứng tại Trung Quốc cho thấy, trong khoảng 15 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng thành công một hệ thống quỹ hỗ trợ khoa học-công nghệ cực kỳ mạnh mẽ. Có thể kể đến hai quỹ lớn: Quỹ bảo hiểm công nghệ, giải ngân trung bình 100 tỷ USD/năm và Quỹ bảo lãnh quốc gia cũng giải ngân quy mô tương tự.

Chính nhờ các quỹ này, hàng triệu doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc đã được hỗ trợ từ giai đoạn chưa có sản phẩm đến lúc mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, ở Việt Nam, Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia sau gần 19 năm hoạt động mới chỉ giải ngân được khoảng 200 triệu USD-trung bình mỗi năm khoảng 10 triệu USD- một con số quá nhỏ so với nhu cầu thực tế và so với những gì các quốc gia khác đang làm.

Không dừng lại ở đó, cơ chế quỹ còn quá thận trọng khi hiện nay, phần lớn quỹ chỉ tài trợ không hoàn lại, hoặc nếu có cho vay thì không có cơ chế bảo lãnh, dẫn đến tình trạng vốn không đến được đúng lúc doanh nghiệp cần nhất.

Do đó, nếu chỉ dùng quỹ theo kiểu cấp phát thì số tiền đó chỉ phát huy hiệu lực một lần. Nhưng nếu quỹ được tổ chức và vận hành như một thiết chế tài chính-có cơ chế huy động, cho vay, đầu tư sinh lời, tái đầu tư thì mỗi đồng vốn ban đầu có thể tạo ra giá trị gấp nhiều lần.

“Một đồng tiền để không thì nó chỉ là một đồng thôi. Nhưng nếu mà nó vận hành như một thiết chế tài chính thì nó có thể làm ra rất nhiều đồng tiền khác", ông Lê Bộ Lĩnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, cơ chế định giá tài sản vô hình còn thiếu, trong khi các tài sản của các doanh nghiệp công nghệ phần lớn là sở hữu trí tuệ, phần mềm, công nghệ lõi đều là những thứ không thể định giá theo "tài sản hữu hình".

Các ngân hàng luôn yêu cầu khách hàng phải có tài sản thế chấp, nhưng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo không có bất động sản để thế chấp và quy định hiện hành vẫn thiếu cụ thể trong việc cho phép dùng tài sản vô hình làm cơ sở vay vốn.

Thiết kế lại hệ sinh thái cho doanh nghiệp sáng tạo

Theo bà Nguyễn Thị Bích Lan-Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một thí dụ điển hình về cách tiếp cận vốn hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo có thể thấy rõ ở Singapore.

Tại đảo quốc này, mỗi doanh nghiệp khi triển khai hoạt động chuyển đổi số hoặc đổi mới công nghệ nhà nước sẽ cho một khoản tiền và huy động các doanh nghiệp lớn cho hạ tầng theo mô hình nhà nước 70%, doanh nghiệp lớn 30%.

Các công ty lớn không chỉ góp vốn, mà còn trực tiếp cung cấp hạ tầng công nghệ, nền tảng số, tài nguyên dữ liệu, và cả chuyên gia cố vấn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hơn triển khai sản phẩm công nghệ mới.

Điều đặc biệt là Singapore không chỉ hỗ trợ về tài chính hay kỹ thuật, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ được thử nghiệm sản phẩm trên chính hạ tầng của các doanh nghiệp lớn. Nếu sản phẩm chứng minh được hiệu quả, họ sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, truyền thông và tiếp cận thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Mô hình này tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liền mạch, trong đó các doanh nghiệp nhỏ không đơn độc trên hành trình chuyển đổi số, mà được "nâng đỡ có trách nhiệm" từ cả nhà nước và khối tư nhân.

Singapore không chỉ hỗ trợ về tài chính hay kỹ thuật, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ được thử nghiệm sản phẩm trên chính hạ tầng của các doanh nghiệp lớn. Nếu sản phẩm chứng minh được hiệu quả, họ sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, truyền thông và tiếp cận thị trường trong nước lẫn quốc tế.

(Bà Nguyễn Thị Bích Lan-Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam)

Còn theo ông Nguyễn Tử Quảng, cần thiết lập quỹ bảo lãnh cấp quốc gia có quy mô đủ để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong giai đoạn đã có sản phẩm nhưng thiếu vốn để thương mại hóa và mở rộng.

Quỹ này không chỉ cho vay mà còn bảo lãnh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, giúp khơi thông dòng vốn xã hội vào lĩnh vực rủi ro cao nhưng cần thiết này. Cần có hướng dẫn chi tiết hơn trong việc định giá tài sản vô hình, đồng thời tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng thương mại đủ tin tưởng.

Ông Hoàng Hữu Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận khoa học-công nghệ, chuyển đổi số và vốn là xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực chất, có sự liên kết chặt chẽ giữa ba nhà: doanh nghiệp-nhà trường-nhà nước.

Trên thực tế, khoảng 90% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn lớn trong tiếp cận công nghệ mới và nguồn vốn đầu tư. Chính vì vậy, các chính sách cần được thiết kế linh hoạt, sát thực tiễn, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo bằng cách đầu tư vào hạ tầng nghiên cứu dùng chung, hỗ trợ tài chính cho các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng quy mô nhỏ, đồng thời ưu tiên đầu tư trọng điểm cho một số trường đại học, viện nghiên cứu có năng lực kết nối với doanh nghiệp địa phương.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia chia sẻ nền tảng nghiên cứu và chuỗi giá trị đổi mới với doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tạo ra "cú huých" chuyển đổi hệ thống. Mô hình hợp tác kiểu này đang được một số tập đoàn tiên phong triển khai và có thể trở thành giải pháp nhân rộng.

Về phía các trường đại học, cần định hướng rõ nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, giải quyết trực tiếp bài toán sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ, thay vì chỉ dừng ở nghiên cứu lý thuyết.

Khi từng mắt xích trong hệ sinh thái được kết nối, được "kích hoạt" đúng vai trò, doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thật sự có cơ hội tiếp cận công nghệ, đổi mới sáng tạo và vượt qua các rào cản về vốn, nhân lực và hạ tầng.

Bài và ảnh: ĐỨC TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-doi-moi-sang-tao-trong-doanh-nghiep-post891953.html