Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong SME: Vẫn còn những khoảng trống pháp lý...
Nghiên cứu 'Thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) xanh trong doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) ở Việt Nam' cho thấy hệ thống giải pháp, chính sách liên quan đến thúc đẩy ĐMST, ĐMST xanh trong DN nói chung và SME nói riêng chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, chậm được hướng dẫn và vẫn còn những khoảng trống pháp lý.
Đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CEM) và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, CIEM đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Thúc đẩy ĐMST xanh trong SME ở Việt Nam”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, ĐMST xanh giúp DN tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị, giúp DN đáp ứng trước các tiêu chuẩn và các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, thu hút đầu tư và giúp DN tăng năng suất, năng lực công nghệ..
Khảo sát của CIEM tại các DN cho thấy, ở Việt Nam, ĐMST xanh đã được các DN, trong đó có SME, quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm,…
Tại nhiều địa phương, chính quyền và DN đã nhận thức được sự cần thiết phải ĐMST theo hướng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Nhiều mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được DN và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh áp dụng như kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh,...
Bên cạnh đó, ĐMST xanh thông qua thực hành ESG (thực hiện ĐMST trong trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị), đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng được nhiều DN quan tâm thực hiện….
Tuy nhiên thực tế hoạt động ĐMST xanh trong các SME còn khá hạn chế. Mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong DN còn khá thấp, các sản phẩm sản xuất ra có GTGT không cao, sản phẩm mới với DN nhưng ít mới với thị trường; Phương thức ĐMST xanh phổ biến được nhiều SME thực hiện là điều chỉnh những sản phẩm hiện có cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với điều kiện vận hành ở địa phương, hoặc thực hiện đổi mới quy trình dựa trên các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm khắc phục những lỗi kỹ thuật phát sinh từ thực tiễn sản xuất hay cải tiến hệ thống sản xuất hiện có.
“Do hàm lượng công nghệ trong các SME còn thấp, các DN chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào (đối với DN tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm), áp dụng quy trình tuần hoàn (DN nông, lâm, thủy sản). Số lượng DN thực hiện đổi mới công nghệ xanh hơn thực sự chưa nhiều…” - TS. Nguyễn Thị Luyến - Trưởng ban, Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế (CIEM), thay mặt nhóm nghiên cứu cho hay.
Doanh nghiệp được ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí…
Báo cáo nghiên cứu của CIEM cho thấy, thời gian qua, Nhà nước đã từng bước đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các DN, đặc biệt là SME, trong thực hiện ĐMST xanh.
Đặc biệt, khung chính sách chung thúc đẩy ĐMST nói chung và ĐMST xanh đã được hình thành với nhiều cơ chế, chính sách pháp luật liên quan được ban hành và hoàn thiện; nhiều tổ chức hỗ trợ được hình thành. Các nhóm giải pháp chính sách tài chính và chính sách phi tài chính hỗ trợ, tạo động lực cho SME phát triển và thực hiện các hoạt động ĐMST xanh.
Cụ thể, trong nhóm giải pháp chính sách tài chính, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí có tỷ lệ DN tiếp nhận được cao nhất. Những chính sách về thuế, phí đã tạo động lực và khuyến khích DN thực hiện hoạt động ĐMST theo hướng xanh, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh nguồn vốn tài chính từ ngân sách nhà nước (NSNN), việc thực hiện các giải pháp chính sách tài chính thúc đẩy SME ĐMST xanh đã thu hút, huy động thêm được các nguồn lực ngoài NSNN, đặc biệt nguồn vốn đối ứng từ DN. Nhiều địa phương cũng huy động các nguồn lực từ các DN, tập đoàn lớn, các tổ chức quốc tế,... để tổ chức các chương trình, các cuộc thi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các SME ĐMST xanh.
Trong nhóm giải pháp chính sách phi tài chính, chính sách hỗ trợ kỹ thuật, truyền thông, quảng bá, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại đã được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Phong trào khởi nghiệp gắn với ĐMST diễn ra mạnh mẽ. Khía cạnh, tiêu chí “xanh” đang trở thành những điểm nhấn quan trọng trong nhiều cuộc thi khởi nghiệp ĐMST.
Tại nhiều địa phương, khía cạnh “xanh” và khai thác hiệu quả hơn tài nguyên bản địa đã được đặc biệt quan tâm. Nhiều địa phương đã có các chương trình, sáng kiến về mô hình phát triển xanh, huy động sự tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình đào tạo, tập huấn, khuyến khích DN ĐMST theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Chính sách chưa đồng bộ
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Luyến cho rằng, hạn chế lớn nhất hiện nay là hệ thống giải pháp, chính sách liên quan đến thúc đẩy ĐMST, ĐMST xanh trong DN nói chung và SME nói riêng chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, chậm được hướng dẫn và vẫn còn những khoảng trống pháp lý.
Chẳng hạn như chưa có khái niệm, quy định về tiêu chí xác định DN ĐMST, DN ĐMST xanh, DN khởi nghiệp ĐMST. Các chính sách hỗ trợ SME, hỗ trợ SME ĐMST, chuyển đổi xanh chủ yếu là các chương trình tập huấn và đào tạo, trong khi DN có nhu cầu lớn về hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng.
Các chính sách hỗ trợ phát triển xanh, hướng đến tiêu dùng xanh còn chưa thực sự đồng bộ. Các chính sách thúc đẩy sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các DN đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ để tạo ra những chuyển biến đáng kể về công nghệ và quy trình sản xuất.
Đặc biệt, tín dụng xanh chưa phổ biến, số lượng DN tiếp cận được tín dụng xanh còn ít. Việc phát triển thị trường tài chính xanh còn nhiều khó khăn, các bên tham gia hạn chế, thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh.
Việc thúc đẩy ĐMST, ĐMST xanh ở hầu hết các địa phương thường tập trung thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST, chưa quan tâm đúng mức đến thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST của chính những DN đang hoạt động.
Để tiếp tục thúc đẩy ĐMST xanh trong SME ở Việt Nam, theo khuyến nghị của CIEM, cần nghiên cứu quy định cụ thể về ĐMST, ĐMST xanh; tiêu chí xác định DN ĐMST, DN ĐMST xanh làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ĐMST xanh trong DN;
Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ ĐMST xanh, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư; các chính sách về thị trường, tiêu dùng; các chính sách về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và phát triển; chính sách phát triển công nghiệp môi trường đối với các sản phẩm, thiết bị và công nghệ phục vụ cho thực hiện ĐMST xanh, các chính sách khuyến khích liên kết giữa ngành, lĩnh vực, địa phương trong thực hiện ĐMST xanh và các công cụ chính sách khác; Xây dựng chương trình hỗ trợ SME thực hiện ĐMST xanh, chuyển đổi xanh.
Bên cạnh việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ĐMST như hiện nay, cần đẩy mạnh các hoạt động ĐMST, ĐMST xanh trong các SME hiện đang hoạt động, trong đó tập trung vào các giải pháp chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư để nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong các DN…