Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và quản trị rủi ro trong ứng dụng Blockchain
Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo (VIIE) 2023, ngày 30/10, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội thảo 'Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo và Quản trị rủi ro trong Ứng dụng blockchain' nhằm thúc đẩy việc ứng dụng và đào tạo Blockchain tại Việt Nam.
Theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia trên thế giới về đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Để đạt được kết quả đó, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc phát triển các công nghệ hiện đại. Trong đó, công nghệ Blockchain cùng Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và Big Data, giữ vị trí đứng đầu trong danh mục cần ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Chủ tịch VBA Hoàng Văn Huây, khả năng ứng dụng của Blockchain vào các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ sẵn có hoặc tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới vô cùng linh hoạt, giá trị cao, vượt trội hơn hẳn so với các công nghệ khác từ trước tới nay.
Tuy nhiên, do sự mới mẻ về công nghệ, vẫn còn có những hạn chế trong việc thúc đẩy ứng dụng Blockchain. Do vậy, ông Hoàng Văn Huây cho rằng, để Blockchain trở thành một công nghệ trụ cột đột phá, góp phần phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam cần nhanh chóng phổ cập kiến thức và ứng dụng Blockchain trong mọi ngành kinh tế, kỹ thuật và quản lý xã hội.
Chủ tịch VBA Hoàng Văn Huây cho rằng, để công nghệ blockchain trở thành một công nghệ trụ cột góp phần phát triển kinh tế - xã hội mang tính đột phá trong CMCN 4.0 của thời đại, Việt Nam cần nhanh chóng phổ cập kiến thức và ứng dụng công nghệ blockchain trong mọi ngành kinh tế, kỹ thuật và quản lý xã hội.
Trong tiến trình này, đào tạo blockchain được coi là chìa khóa quan trọng, góp phần thay đổi nhận thức toàn diện, giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và hội nhập nhanh chóng với thế giới. Bên cạnh đó, việc quản trị rủi ro cũng cần được các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, và các cá nhân coi trọng, nhằm đảm bảo việc ứng dụng công nghệ blockchain đạt được các lợi ích như mong muốn, tránh được các rủi ro về chi phí đầu tư, vận hành không đáng có, ông Hoàng Văn Huây nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VBA Hoàng Văn Huây, những năm gần đây, blockchain càng thể hiện rõ vai trò trong tiến trình Đổi mới Sáng tạo và các ứng dụng nổi bật, các hoạt động của sàn giao dịch tập trung, phi tập trung và các ứng dụng Regtech đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp blockchain.
Tại hội thảo các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận, trao đổi về “Xu thế ứng dụng Blockchain từ khu vực Công và khu vực Tư"; về “Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong ứng dụng công nghệ blockchain: Các vấn đề pháp lý và nguồn nhân lực”; về “Blockchain trong giáo dục và đào tạo, cơ hội và tương lai cho Việt Nam”…
Giới thiệu cơ bản về bockchain, ông Trần Huyền Dinh - Trưởng Ban ứng dụng Fintech VBA cho biết blockchain có ưu điểm là công nghệ quản lý dữ liệu thông qua hệ thống máy tính hoặc các điểm (node) phi tập trung. Công nghệ blockchain đã được ứng dụng gần gũi của trong các ngành kinh tế, xã hội.
Thực tế cho thấy, blockchain được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, đến thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, bảo hiểm, logistics và nhiều ngành dịch vụ khác.
Ưu thế của công nghệ blockchain và những tác động mà công nghệ này có thể mang lại cho nền kinh tế nói chung và các lĩnh vực tiên phong ứng dụng nói riêng. Nhưng bên cạnh ưu điểm, cũng có những hạn chế và rủi ro cần quản trị. Nhưng từ lý thuyết tới thực tế ứng dụng là một nỗ lực dài hơi, cần sự chung tay hỗ trợ từ nhiều cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội cũng như các doanh nghiệp, cá nhân đang và sẽ gia nhập ngành công nghệ này.
Theo các chuyên gia và phản ánh từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, sự tăng trưởng mạnh mẽ công nghệ blockchain không chỉ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra các tồn tại vô hình và thách thức trong công tác quản lý.
Để thúc đẩy quá trình ứng dụng và đào tạo blockchain, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) với Quỹ chống hàng giả (AFC), Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Học viện Kỹ thuật Quân sự, Mạng lưới Hub Network, Nền tảng học tập trực tuyến Medoo, Quỹ VietCan StartUp, U2U Foundation và Nền tảng học tập Edutek nhằm thể hiện cam kết và quyết tâm thúc đẩy ứng dụng blockchain trong đổi mới sáng tạo nói chung và các lĩnh vực cụ thể như chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc và giáo dục - đào tạo.