Thúc đẩy đưa sản phẩm y học cổ truyền phục vụ chăm sóc sức khỏe và du lịch
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách liên quan đến xúc tiến thương mại để xuất khẩu các sản phẩm y học cổ truyền, bao gồm cả nhân lực chất luợng cao, các phương pháp chữa bệnh, dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền ra thị trường quốc tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe và du lịch.
Đây là một trong những nội dung được Thủ tướng chỉ đạo trong Quyết định số 1289/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Kết luận số 86-KL/TW của Ban Bí thư về phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo Quyết định, Thủ tướng yêu cầu tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới.
Xác định y học cổ truyền Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Phát triển nền Y học cổ truyền là góp phần bảo tồn bản sắc, phát triển kho tàng y dược dân tộc, truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu đặc hữu, dược liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách cụ thể trong đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tôn vinh và bảo đảm quyền lợi của các danh y; bảo vệ bí mật nhà nước trong bào chế, chế biến thuốc y học cổ truyền.
Hoàn thiện hệ thống quản lý từ trung ương đến địa phương, nâng cao năng lực, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực y học cổ truyền.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và khoa y học cổ truyền trong bệnh viện hiện đại; thành lập bệnh viện tuyến tỉnh đối với các tỉnh chưa có bệnh viện y học cổ truyền.
Phát triển vùng nuôi trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an ninh, an toàn dược liệu. Phát triển ngành công nghiệp dược liệu gắn với nghiên cứu khoa học, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến; đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng dược liệu, sản xuất và tiêu dùng thuốc cổ truyền. Khuyến khích phát triển nuôi trồng cây thuốc, vườn thuốc tại nhà; tăng cường sử dụng các duợc liệu sẵn có tại địa phương; tổ chức bảo tồn nguồn gen, dược liệu quý tại các địa phương trong toàn quốc.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y học cổ truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; tiếp tục tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền.
Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dược liệu, thuốc cổ truyền liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền phục vụ khách du lịch nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành và tra cứu dữ liệu, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu cả về y học cổ truyền, kết hợp y học cố truyển với y học hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.
Đào tạo lương y, lương dược; nghiên cứu xây dựng mã ngành, chương trình đào tạo lương y, lương dược; phấn đấu đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao từ trung ương đến địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa chương trình giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm, chứng minh hiệu quả của các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền.
Chủ động tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của y học cổ truyền Việt Nam ra trường quốc tế.
Mở rộng, đa dạng hóa các kênh và hình thức hợp tác; chủ động, tích cực phối hợp giữa các cơ quan, các cấp, các ngành trong triển khai hội nhập, hợp tác quốc tế lĩnh vực y học cổ truyền.
Chủ động triển khai các điều uớc quốc tế, thỏa thuận quốc tế lĩnh vực y học cổ truyền đã ký kết. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, khu vực và các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển nhằm thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, chú trọng hợp tác về hoạt động khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Tiếp tục tổ chức có hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý dược liệu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền và các dịch vụ y học cổ truyền.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thông tin, quảng cáo về y học cổ truyền; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hoạt động quảng bá, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các sản phẩm y học cổ truyền, dược liệu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tập trung phát triển và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền; nâng cao chất lượng dịch vụ của y học cổ truyền gắn với chăm sóc sức khỏe và phục vụ du lịch.
Tăng cường công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực, thành phần tham gia vào công tác phát triển y học cổ truyền./.