Thúc đẩy hiện đại hóa công nghệ sản xuất trong doanh nghiệp (kỳ 1)
Hiện đại hóa công nghệ là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, sản lượng; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; sử dụng hợp lý nguyên vật liệu; tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường; thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Hiện đại hóa công nghệ là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, sản lượng; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; sử dụng hợp lý nguyên vật liệu; tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường; thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
I. Doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ hiện đại
Là một trong các doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước thực hiện cổ phần hóa, từ năm 2000, Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà luôn đi đầu so với các doanh nghiệp cùng ngành trong đầu tư hệ thống thiết bị máy móc theo hướng hiện đại. Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm hệ thống thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm đạt các tiêu chuẩn GMP, GLP, GSP, WHO và hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Nhờ đó, từ năm 2002, Công ty đã là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận Nhà máy đạt chuẩn GMP và GLP. Đến nay, Công ty còn dẫn đầu về quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, mức độ đa dạng và khả năng tối ưu hóa thị trường. Riêng trong ngành đông dược, Công ty đã xây dựng được nền tảng phát triển bền vững với vùng trồng cây dược liệu đạt chuẩn và mạng lưới phân phối sản phẩm trên cả nước, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra quốc tế. Hiện nay, Công ty đã sản xuất trên 100 sản phẩm thuốc tân dược, đông dược được phép lưu hành trên toàn quốc với nhiều dạng bào chế khác nhau. Ngoài ra, sản phẩm mang thương hiệu Nam Hà Pharma của Công ty đã được lưu hành trên thị trường các nước Nga, Campuchia, Philippin, Bănglađét, Mianma, châu Phi. Công ty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (thành phố Nam Định) đã đầu tư dây chuyền tự động đúc thép hợp kim cao bằng công nghệ làm khuôn cát tươi của hãng DISAMATIC (Đan Mạch) trị giá hàng chục tỷ đồng. Áp dụng công nghệ đúc tự động, đã giúp Công ty thực hiện đồng thời các khâu chuẩn bị hỗn hợp làm khuôn tự động, lập trình điều khiển tự động; thí nghiệm nhanh, kiểm soát chặt chẽ các thông số hỗn hợp nguyên liệu; trộn hỗn hợp cao tốc TM 190-55; nấu hợp kim đúc được trong lò điện cảm ứng; làm nguội sản phẩm và tái sinh hỗn hợp cát trong tang quay dây chuyền băng tải lạnh. Đặc biệt, Công ty còn liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản thành lập Trung tâm kiểm định kim loại quy mô khu vực, đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, phần mềm ứng dụng chuyên ngành được vận hành theo tiêu chuẩn ISO 17025:2017, cùng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008. Bình quân mỗi năm Công ty TNHH Thắng Lợi sản xuất được 10 nghìn tấn sản phẩm cơ khí phục vụ các ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, chế tạo máy. Tất cả các sản phẩm đều được đánh giá cao, giúp Công ty không ngừng tiến xa hơn trong hành trình nâng cao chất lượng, uy tín, thương hiệu sản phẩm với các đối tác nước ngoài, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng như Nhật Bản, Đức, Hà Lan... Theo ông Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà: Công ty đã triệt để khai thác sự khéo léo, tinh tế, chất lượng tay nghề của người thợ Việt Nam kết hợp với chủ động đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị tốt nhất, đảm bảo mọi sản phẩm sản xuất, cung ứng trên thị trường đều đạt chất lượng người tiêu dùng mong muốn. Để nâng cao năng suất lao động, chuyên sâu mặt hàng gia công xuất khẩu, Công ty đã hợp tác với Viện Năng suất Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản, chuyên gia Tổ chức Năng suất châu Á (APO) xây dựng hệ thống quản trị chất lượng trên nền tảng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO quốc gia; thực hành tốt các công cụ quản lý: TPM (bảo trì năng suất toàn diện), LEAN (sản xuất tinh gọn hay sản xuất tiết kiệm); hệ thống doanh nghiệp tích hợp Pass 99… Hai năm trở lại đây, Công ty đã đầu tư thí điểm hơn 10 tỷ đồng để chuyển sang áp dụng công nghệ chuyền treo thông minh với 20 dây chuyền treo cùng hơn 700 thiết bị may hiện đại. Hướng tới yêu cầu hội nhập và sự phát triển bền vững, trong 5 năm tới, Công ty có kế hoạch đầu tư khoảng 2 triệu USD cho quá trình đổi mới công nghệ, đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn lao động để thích ứng với dây chuyền sản xuất mới. Việc đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại đã giúp Công ty tạo được giá trị riêng biệt, thiết thực cho thương hiệu, chất lượng sản phẩm khi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may toàn cầu; điển hình đã gia nhập thành công vào chuỗi cung ứng quần áo bơi của các thương hiệu lớn tại Hoa Kỳ (GAP, Nike...).
Qua tìm hiểu các doanh nghiệp, điểm chung sau khi đầu tư đổi mới, nâng cấp dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại đều góp phần giúp các doanh nghiệp tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm áp lực về việc thiếu nguồn lao động và hạ giá thành của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, khảo sát sơ bộ trong quá trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa công nghệ này càng tăng cao. Trong đó, nhóm doanh nghiệp thuộc khối sản xuất chế tạo thiết bị điện, điện tử, chế biến thực phẩm là các ngành có tỷ lệ tự động hóa cao nhất trong ba năm qua. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, sản xuất đồ da, xây dựng do còn tận dụng lợi thế chi phí từ lao động giá rẻ nên mới áp dụng hiện đại hóa công nghệ theo hướng tự động chưa đến 5% công việc. Đáng chú ý là, nhờ áp dụng các công nghệ tương tự vào hoạt động sản xuất nên hiện tại nhiều doanh nghiệp dân doanh nội tỉnh cũng đã bắt kịp các doanh nghiệp FDI về khả năng hội nhập hiệu quả vào các chuỗi cung toàn cầu.
Nhờ đổi mới công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn thông qua tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng khâu tiêu thụ sản phẩm và chính sách hậu mãi. Nắm bắt được thực tế này, hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tiếp cận, hướng tới thực thi yêu cầu sống còn là đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ nhằm thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy