Thúc đẩy hoạt động khuyến công ở Hướng Hóa

Thời gian qua, huyện Hướng Hóa tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động khuyến công. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung.

 Được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất ở Hướng Hóa hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh: M.L

Được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất ở Hướng Hóa hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh: M.L

Gia đình anh Nguyễn Thái Hồ ở thôn Long Phụng, xã Tân Long mở cơ sở mộc mỹ nghệ từ năm 2014 với tổng số vốn đầu tư 800 triệu đồng. Năm nay, cơ sở của gia đình anh được nguồn vốn khuyến công tỉnh hỗ trợ 75 triệu đồng đầu tư mua sắm thêm 1 máy đúc chạm mới, công nghệ cao hơn. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm nâng lên đáng kể, khách hàng rất hài lòng.

Anh Hồ chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được cán bộ khuyến công huyện, tỉnh quan tâm hướng dẫn các thủ tục hồ sơ để xây dựng đề án đề nghị chương trình khuyến công tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Tôi mong muốn thời gian tới tiếp tục được sự quan tâm của các cấp trong việc tạo điều kiện cho những hộ kinh doanh, sản xuất trên địa bàn được mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động tại địa phương”.

Cũng như gia đình anh Hồ, gia đình anh Nguyễn Duy Phương ở thôn Doa Cũ, xã Hướng Phùng đầu tư gần 400 triệu đồng để sơ chế và chế biến sâu đối với quả cà phê chè catimor vào năm 2019. Cơ sở nằm trong vùng nguyên liệu nên số lượng sản phẩm rất cần sơ chế và chế biến tại chỗ. Được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công tỉnh, anh đã đầu tư thêm máy rang cà phê hiện đại, đáp ứng nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm.

Anh Phương cho biết: “Nhờ đầu tư thêm máy móc hiện đại nên năng suất, chất lượng sản phẩm của cơ sở chế biến cà phê gia đình tôi đều tăng. Do đó, chúng tôi tăng cường thu mua cà phê cho người dân trong vùng, tạo việc làm cho 7 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định. Công suất của máy rang cà phê lớn nên giảm được chi phí, thời gian, công lao động, do đó giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm cho người tiêu dùng”.

Để thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy hoạt động khuyến công tạo ra sản phẩm có giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đưa giá trị sản xuất ngày càng cao; đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, huyện Hướng Hóa đã có nhiều giải pháp sát thực như: Tích cực tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho người dân mở mang các ngành nghề sản xuất, nhất là nghề truyền thống. Đào tạo nghề, tư vấn, định hướng, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ về ứng dụng khoa học - kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất; khuyến khích đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ theo hướng chế biến gắn với vùng nguyên liệu đối với cơ sở chế biến nông sản; hỗ trợ các hộ kinh doanh tiếp cận các nguồn vốn vay; nâng cao hiệu quả của việc liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện có gần 700 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó gần 20 doanh nghiệp và 669 cơ sở sản xuất nhỏ, cá thể hộ gia đình; tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động.

Đặc biệt các cơ sở công nghiệp chế biến nông - lâm nghiệp dựa trên lợi thế nguồn nguyên liệu tại địa phương như cà phê, cao su, chuối, sắn… được chú trọng đầu tư có hiệu quả; có 15 cơ sở chế biến cà phê sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín, công nghệ tiên tiến (chế biến ướt, sử dụng máy phân loại màu để phân loại cà phê, máy rang xay cà phê công nghệ rang Hot Air điều khiển tự động); hệ thống xử lý nước thải sau xử lý nước thải đạt loại B, khí Co2 thu được dùng để đốt lò sấy bột sắn, vỏ cà phê được đưa vào sản xuất phân bón vi sinh.

Tính riêng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện có 12 đề án khuyến công được phê duyệt, trong đó 6 đề án cấp tỉnh và 6 đề án cấp huyện với tổng kinh phí hỗ trợ 750 triệu đồng. Ngoài ra, huyện chủ động triển khai kế hoạch hỗ trợ thêm các mô hình có quy mô nhỏ, sản xuất công nghiệp nông thôn để khuyến khích các hộ kinh doanh ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, như: Cơ sở chế biến bột sắn, bột gạo tại xã Tân Liên, cơ sở sản xuất bánh ướt, đậu khuôn tại xã Hướng Phùng với tổng kinh phí hỗ trợ 80 triệu đồng.

Hỗ trợ các cơ sở xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP như măng, cà phê, chuối; hỗ trợ xây dựng thương hiệu tập thể đối với sản phẩm chuối Hướng Hóa và cà phê Khe Sanh. Đến nay, huyện có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh; đã có chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm hồ tiêu Hướng Hóa.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp và khuyến công huyện Hướng Hóa Phan Trọng Minh cho biết: “Đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được nguồn vốn khuyến công tỉnh, huyện hỗ trợ đã tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Để khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến công nghiệp trên địa bàn, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND huyện xây dựng từ 2 - 3 đề án khuyến công với kinh phí 150 triệu đồng. Tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, đặt biệt là sản phẩm đặc trưng vùng miền”.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159915&title=thuc-day-hoat-dong-khuyen-cong-o-huong-hoa