Thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 trong ứng phó dịch COVID-19, duy trì ổn định

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì hội nghị - Ảnh: TTXVN

* Tổng thống Hàn Quốc cam kết ủng hộ ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19

Tiếp tục thông tin Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19, chiều 14/4, sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các nước đã nghe báo cáo của Tổng thư ký ASEAN về những nỗ lực của ASEAN trong ngăn ngừa và kiểm soát COVID-19, trình bày của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình hình dịch bệnh trên thế giới và ứng phó của các nước.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và các nhà lãnh đạo các nước đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hội nghị còn có sự tham dự của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tư cách khách mời.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khuôn khổ hợp tác ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao được tổ chức theo hình thức trực tuyến để phù hợp với điều kiện hiện nay nhằm đưa ra những cam kết và quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất, khẳng định tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau ứng phó dịch bệnh của các nước ASEAN+3.

Các nhà lãnh đạo đã trao đổi nhận định đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm và bàn các biện pháp cụ thể để sớm đẩy lùi dịch bệnh, chăm lo, bảo vệ lợi ích của người dân, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội do dịch COVID-19 gây ra và kế hoạch phục hồi sau khi dịch bệnh kết thúc.

Các nước ASEAN+3 cam kết sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, chính sách, liệu pháp điều trị, nghiên cứu dịch tễ và lâm sàng, hỗ trợ cung cấp trang thiết bị vật tư y tế, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu sản xuất vắcxin và thuốc điều trị COVID-19.

Các nhà lãnh đạo cho rằng những bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch COVID-19 rất hữu ích với ASEAN trong cuộc chiến chống dịch bệnh còn nhiều cam go và thách thức.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, bảo đảm sức khỏe và sinh kế của nhân dân, hỗ trợ kịp thời và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN+3 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có lao động di cư, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Các nhà lãnh đạo cam kết duy trì thị trường mở, sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đa dạng hóa kết nối nguồn cung trong và ngoài khu vực, bảo đảm lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu.

Các nhà lãnh đạo nhất trí giao Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị chính sách kịp thời ứng phó với các rủi ro suy thoái và tận dụng các cơ chế dự phòng đảm bảo ổn định kinh tế, tài chính, an ninh lương thực đã có của ASEAN+3 như Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp (APTERR).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa các quốc gia là chìa khóa thành công để các quốc gia vượt qua thời điểm khó khăn này.

Thủ tướng Chính phủ giới thiệu kinh nghiệm và kết quả bước đầu Việt Nam đạt được trong kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ cuộc sống của người dân. Thủ tướng cảm ơn các nước đã phối hợp, hỗ trợ và đã có giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam thời gian qua. Thủ tướng cũng nêu các đề xuất thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 trong ứng phó với dịch bệnh, duy trì ổn định và phát triển kinh tế.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ra Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN+3 về dịch bệnh COVID-19. Các đại biểu đánh giá cao Việt Nam đã tích cực, chủ động tổ chức thành công hội nghị lần này, đóng góp thiết thực cho cuộc chiến chung chống COVID-19 của khu vực và cộng đồng quốc tế.

* Ngày 14/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết dành mọi sự ủng hộ có thể đối với các nước thành viên của ASEAN và nhiều quốc gia khác trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN+3 (APT) về ứng phó với đại dịch COVID-19 do Việt Nam chủ trì, Tổng thống Moon nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành cách ly và hỗ trợ y tế đúng thời điểm đối với những trường hợp có nhu cầu cấp bách.

Ông cũng khẳng định "Hàn Quốc sẽ đảm bảo lập các quỹ bổ sung cho việc hỗ trợ nhân đạo và tiến hành viện trợ trên phạm vi toàn diện nhất có thể khi nhận được lời kêu gọi hỗ trợ từ các quốc gia khác, trong đó có ASEAN”. Hiện Seoul cũng đang thảo luận các cách thức để có thể sử dụng phù hợp Quỹ hợp tác ASEAN và Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc còn bày tỏ hy vọng rằng khu vực Đông Nam Á sẽ sớm vượt qua được cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 bằng cách huy động mọi nguồn lực sẵn có. Ông cũng đã dẫn ra các quỹ hỗ trợ đầy tin cậy tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và quỹ tài trợ riêng của các nước thành viên APT.

Liên quan vấn đề suy giảm kinh tế do đại dịch COVID-19, Tổng thống Moon đề xuất duy trì "luồng trao đổi thương mại, đầu tư và nguồn nhân lực thiết yếu”. Ông đánh giá các nước tham gia APT có thể đóng vai trò là chất xúc tác đưa chuỗi cung ứng toàn cầu trở lại đúng hướng. Bên cạnh đó, bày tỏ hy vọng rằng "các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được vận hành trên quy mô tối đa bắt đầu với ASEAN+3”.

Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc cũng đề xuất các quốc gia APT tìm kiếm thêm nhiều cách thức nhằm cho phép thực hiện việc đi lại qua biên giới đối với những trường hợp quan trọng như các chủ doanh nghiệp, các chuyên gia y tế và nhân viên cứu trợ.

Cũng tại hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo toàn bộ các nước ASEAN, Malaysia đã đề xuất ASEAN cần xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế sau khi dịch bệnh chấm dứt. Theo Malaysia, kế hoạch của ASEAN không nên chỉ tập trung vào các khía cạnh tài chính, mà còn cần hướng đến các mạng lưới an toàn xã hội, an ninh lương thực và giáo dục.

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Malaysia, kế hoạch khôi phục kinh tế của ASEAN cũng cần bao gồm các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung đầy đủ đáp ứng nhu cầu của 600 triệu người dân trong khu vực. Theo đó, nguồn cung y tế, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác cũng như hạ tầng cần được đảm bảo, thông qua các dòng chảy thương mại bằng cả đường biển, hàng không và đường bộ. Các nước thành viên ASEAN cần làm việc cùng nhau để không ai bị bỏ lại phía sau.

Cũng theo đề xuất của Malaysia, các quốc gia thành viên ASEAN không nên áp dụng bất cứ rào cản không cần thiết nào gây ảnh hưởng đến dòng chảy nguồn cung y tế, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác.

Malaysia cho rằng ASEAN cần phát triển thành một trung tâm tăng trưởng và là một nguồn lực mới, không chỉ phục vụ cho người dân trong khu vực mà còn cho cả thế giới. Nước này cũng ủng hộ việc thành lập Quỹ phản ứng ASEAN về COVID-19 với mục tiêu tăng cường kho dự trữ khẩn cấp dành cho bất cứ đợt bùng phát dịch bệnh nào trong tương lai.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã thông báo một số chiến lược chủ chốt của nước này nhằm xử lý các vấn đề phát sinh do dịch bệnh, trong đó có việc áp dụng Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO).

Phóng viên TTXVN tại Malaysia cho hay theo MCO, các dịch vụ không thực sự thiết yếu của chính quyền và khu vực tư nhân tại Malaysia đã được lệnh đóng cửa. Các hoạt động đi lại, tập trung đông người cũng bị nghiêm cấm, trong khi người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết.

Ngoài ra, tất cả công dân Malaysia từ nước ngoài trở về bắt buộc phải thực hiện kiểm tra y tế và cách ly hai tuần. Đặc biệt, tại các khu vực có số ca nhiễm bệnh cao, việc ra vào bị nghiêm cấm hoàn toàn và tất cả người dân trong các khu vực này đều được xét nghiệm.

BTV (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/237661/thuc-day-hop-tac-asean-3-trong-ung-pho-dich-covid-19-duy-tri-on-dinh.html