Thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Pháp
Triển khai kế hoạch xúc tiến quảng bá năm 2024, mở đầu chuỗi hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường châu Âu, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại TP. Paris, thủ đô nước Pháp vào chiều tối ngày 25/6 (theo giờ địa phương).
Đoàn Việt Nam do Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dẫn đầu, có sự tham gia của đại diện một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các nghệ sĩ Đoàn Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam, cùng đại diện các doanh nghiệp.
Dự chương trình có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến Du lịch và Văn hóa Việt Nam tại châu Âu Lê Y Linh; Trưởng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Pháp và châu Âu Nguyễn Tiến Hoàng; cùng các khách mời, doanh nghiệp du lịch, lữ hành và hàng không, báo chí quốc tế.
Chào mừng các đại biểu đến với chương trình quảng bá du lịch Việt Nam tại Pháp, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Pháp được thiết lập ngày 12/4/1973, đánh dấu một chương mới thể hiện ý chí và mong muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài, toàn diện giữa hai dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cả hai nước đều cùng đẩy mạnh hợp tác phát triển trong mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch.
Là đất nước giàu tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa, có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch với nhiều sản phẩm đặc sắc như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch biển được khai thác theo hướng phát triển bền vững. Việt Nam có 08 di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 10 di sản tư liệu và 03 công viên địa chất toàn cầu, 11 khu dự trữ sinh quyển.
Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, còn nhiều điểm đến mới, hấp dẫn du khách quốc tế, trong đó có du khách Pháp và châu Âu, gồm: Sa Pa, quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, quần thể danh lam thắng cảnh, cố đô Huế, phố cổ Hội An, thám hiểm hang Sơn Đoòng, khu nghỉ dưỡng biển trên đảo Phú Quốc...
Đặc biệt, hiện nay, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái dựa vào thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa, làng nghề truyền thống, những lễ hội văn hóa độc đáo, những món ăn nổi tiếng của Việt Nam như Phở, nem, bún chả, bánh mì đang được du khách quốc tế rất ưa chuộng. Nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch đã được các tổ chức, trang tư vấn, đánh giá du lịch uy tín như World Travel Awards, TripAdvisor, Telegraph và các cơ quan truyền thông lớn như CNN, BBC xếp vào danh sách hàng đầu thế giới.
Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Pháp là thị trường truyền thống và quan trọng hàng đầu của du lịch Việt Nam tại châu Âu. Năm 2023, du lịch Việt Nam đón gần 216 nghìn lượt khách Pháp, đạt tỷ lệ phục hồi 75% so với giai đoạn trước Covid-19, đứng thứ hai trong số các thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu.
Trong thời gian qua, ngành du lịch hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác nhằm thúc đẩy trao đổi du lịch như ký kết các Thỏa thuận hợp tác du lịch. Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Air France đã triển khai các chuyến bay thẳng kết nối các thành phố và trung tâm du lịch lớn của hai nước.
Ngành du lịch Việt Nam tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại Pháp như tổ chức các đoàn khảo sát, các chương trình giới thiệu du lịch, tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Top Resa và nhiều hoạt động khác nhằm tăng cường giao lưu du lịch giữa hai nước. Chính phủ Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Pháp đến Việt Nam từ năm 2015 và nâng thời gian tạm trú cho khách du lịch Pháp từ 15 ngày lên 45 ngày kể từ ngày 15/8/2023.
"Đường bay thẳng thuận lợi, thủ tục nhập xuất cảnh đơn giản, điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, con người nồng hậu, mến khách là những điều kiện lý tưởng thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai nước", Cục trưởng nhấn mạnh.
Cục trưởng cho rằng chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp là cơ hội tốt để các doanh nghiệp du lịch hai bên cùng chia sẻ những thông tin cập nhật, hướng tới hợp tác kinh doanh, tăng cường trao đổi du lịch giữa Việt Nam và Pháp chuẩn bị cho một giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ hơn.
Phát biểu tại chương trình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, Việt Nam là đất nước có nền văn hóa lâu đời và nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Nơi có di sản văn hóa rất phong phú với nhiều địa điểm đến văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Cùng với đó là nền ẩm thực hàng đầu thế giới với hương vị độc đáo và đa dạng về món ăn. Du khách sẽ luôn được chào đón ở Việt Nam với lòng hiếu khách và sự ấm áp của người dân.
Đại sứ cho rằng, hành trình du lịch đến Việt Nam của du khách Pháp không chỉ được hỗ trợ bởi mối quan hệ lịch sử và văn hóa của hai nước mà còn bởi sự hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, qua đó hỗ trợ phát triển du lịch xanh và bền vững.
"Trong những năm gần đây, trao đổi du lịch giữa Pháp và Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể, thông qua nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, kết nối hàng không. Tôi tin tưởng rằng du lịch giữa Pháp và Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại thủ đô Paris hôm nay cũng là cơ hội để thúc đẩy hợp tác du lịch, giao lưu nhân dân giữa hai nước", Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh.
Tại chương trình, các đại biểu, khách mời, doanh nghiệp đã nghe bà Lê Y Linh - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến Du lịch và Văn hóa Việt Nam tại châu Âu giới thiệu về du lịch Việt Nam. Bà cho biết, cùng với chính sách thị thực mới được Việt Nam áp dụng từ ngày 15/8/2023, hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines và hãng hàng không quốc gia của Pháp Air France đã mở đường bay trực tiếp, qua đó giúp du khách đi lại thuận lợi hơn.
Các sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện rất đa dạng, phong phú, bên cạnh tiếp tục phát triển các sản phẩm truyền thống như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch thành phố thì Việt Nam đang tập trung thúc đẩy các sản phẩm mới như du lịch golf, du lịch ẩm thực, du lịch sức khỏe, du lịch khám phá mạo hiểm…
Trước đó, cùng ngày đã diễn ra chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Pháp. Tại đây, doanh nghiệp hai bên đã kết nối, trao đổi, cập nhật thông tin hoạt động, tìm kiếm cơ hội và thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh, thu hút khách du lịch Pháp nói riêng và khách du lịch châu Âu nói chung đi du lịch Việt Nam và ngược lại./.