Thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ
Chiều 15-3, tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), UBND TPHCM phối hợp với các tỉnh thành Đông Nam bộ tổ chức Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ lần thứ 4, quý 1 - 2024.
Tham dự có đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cùng lãnh đạo UBND các tỉnh: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, vùng Đông Nam bộ với TPHCM là hạt nhân, là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước và giữa các địa phương trong vùng có sự gắn kết chặt chẽ về không gian địa lý, về truyền thống lịch sử, văn hóa trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Mối quan hệ giữa các tỉnh Đông Nam bộ ngày càng mở rộng về các mặt kinh tế - xã hội nên việc liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ngày càng trở nên quan trọng.
Tỉnh Đồng Nai tin tưởng khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM, các tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu và cầu Cát Lái đi vào hoạt động sẽ là động lực phát triển mới của tỉnh Đồng Nai cũng như các địa phương trong vùng và đặc biệt là việc hợp tác giữa các địa phương trong vùng để cùng quy hoạch tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai để khai thác lợi thế về cảnh quan, đô thị ven sông, tạo diện mạo mới, đáng sống...
Trong năm 2023, UBND TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng triển khai dự án thành phần đường Vành đai 3 TPHCM trước ngày khởi công 30-6-2023 và UBND TPHCM cũng thống nhất với Bộ GTVT phương án đầu tư; chính sách đặc thù cho các dự án thành phần; điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến và các đồ án quy hoạch liên quan Vành đai 4 TPHCM đoạn qua Long An.
Trong giai đoạn 2024- 2025, các tỉnh vùng Đông Nam bộ phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, thông qua kế hoạch và phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến Bình Dương, Đồng Nai, đề xuất quy hoạch hành lang bổ sung quy hoạch các tuyến du lịch đường thủy dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ đã trao đổi về việc phối hợp triển khai các dự án thành phần của đường Vành đai 3 TPHCM, nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Bình Dương, Đồng Nai; mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TPHCM - Trung Lương; đẩy nhanh tiến độ dự án tiền khả thi cao tốc TPHCM - Mộc Bài; cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; phối hợp quản lý, khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến vận tải hành khách TPHCM - Vũng Tàu.
Trong đó, kiến nghị TPHCM bổ sung quy hoạch cầu Cát Lái trước năm 2030; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TPHCM (đoạn qua tỉnh Đồng Nai), cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và phối hợp đẩy mạnh khai thác các tuyến du lịch đường sông từ Bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) đến TP Biên Hòa...
UBND các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ và Long An đã thống nhất nhiều nội dung ưu tiên, tập trung triển khai trong giai đoạn 2024-2025 liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch, tài nguyên- môi trường, y tế, thương mại, du lịch, logistics.