Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt - Mỹ

Việt Nam cần chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực

Ngày 20-1, ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tin rằng chính quyền của ông Trump sẽ đưa ra nhiều chính sách kinh tế có tác động lớn tới thế giới, trong đó có Việt Nam.

Phóng viên: Những chính sách đối ngoại, kinh tế chính mà Tổng thống Donald Trump có thể áp dụng trong nhiệm kỳ mới là gì, thưa ông?

- TS CẤN VĂN LỰC: Về kinh tế, ông Trump dự kiến có 9 nhóm chính sách kinh tế quan trọng như cắt giảm thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ). Mở rộng ưu đãi thuế, cung cấp khoản khấu trừ thuế mới cho các lĩnh vực ưu tiên. Thúc đẩy sản xuất trong nước (ưu đãi thuế cho các DN đưa sản xuất từ nước ngoài về Mỹ).

Chính quyền mới của ông Trump cũng có thể giảm thuế thu nhập bổ sung cho tầng lớp trung lưu, gia hạn các ưu đãi từ Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017. Áp thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Trung Quốc và các quốc gia cạnh tranh không công bằng. Thúc đẩy chính sách "mua hàng Mỹ". Đẩy mạnh phát triển công nghệ và sản xuất tiên tiến để tạo lợi thế cạnh tranh…

Cụ thể, Mỹ dự kiến tăng thuế lên mức 10%-20% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ; trước mắt áp ngay thuế 25% đối với tất cả hàng hóa từ Canada và Mexico; thêm 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc (có thể lên đến 60% sau này). Có thể áp thuế 100% đối với các quốc gia không sử dụng đồng USD trong giao dịch. Sẽ quay trở lại áp dụng điều khoản 301 trong Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974, trong đó có việc gán nhãn "Thao túng tiền tệ"…

Những chính sách này sẽ tác động thế nào tới tăng trưởng kinh tế, lãi suất, tỉ giá và lạm phát trên thế giới?

- Thuế quan sẽ tác động tiêu cực tới các nước có quan hệ thương mại với Mỹ; lạm phát ở Mỹ và các nước liên quan sẽ tăng trở lại hoặc duy trì ở mức cao. Làm chậm tiến trình giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như nhiều ngân hàng trung ương lớn khác, tạo áp lực tăng tỉ giá và lãi suất.

Lạm phát còn cao có thể làm giảm nhu cầu đầu tư tiêu dùng của Mỹ và những quốc gia liên quan, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Đối với chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu: Chính sách bảo hộ thương mại, sản xuất, nhất là công nghệ cao, chip bán dẫn, điện tử, ô tô có thể gây dịch chuyển, xáo trộn, thậm chí làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu...

Mỹ hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mỹ hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Kinh tế Việt Nam có chịu ảnh hưởng nhiều bởi các chính sách này không, thưa ông?

- Dù chính sách của Tổng thống Trump ưu tiên sản xuất và tạo việc làm trong nước, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng, nhưng cũng sẽ chịu nhiều thách thức hơn.

Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ năm 2024 ước đạt 14,7 tỉ USD, tăng 69% so với thời điểm đầu nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump (8,7 tỉ USD năm 2016). Có điều, các DN cần lưu ý trong giai đoạn tới, bảo hộ thương mại tăng sẽ đi cùng với số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng tăng.

Còn nhớ, giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung 2018 đã làm dịch chuyển thương mại toàn cầu khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh. Các quốc gia hưởng lợi chính là Mexico, Canada do vị trí gần Mỹ, trong khi Việt Nam cũng hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang.

Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn này được hưởng lợi chính như sản phẩm điện tử nội thất dệt may, giày dép sản phẩm từ cao su, nhựa, sắt thép...

Đối với lĩnh vực đầu tư, thực tế vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng tiềm năng khi lũy kế đến hết tháng 10-2024, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký của Mỹ vào Việt Nam đạt 11,97 tỉ USD, mới chiếm 2,43% tổng vốn đăng ký vào Việt Nam. Mỹ đứng thứ 11/148 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Tín hiệu tích cực là gần đây, dòng vốn đầu tư của DN Mỹ vào Việt Nam đang có sự cải thiện với nhiều DN lớn bắt đầu tới Việt Nam như Ford; General Electric; Apple hay gần nhất là NVIDIA...

Với chính sách trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ, tỉ giá, lãi suất của Việt Nam có biến động mạnh?

- Trong ngắn hạn, lộ trình cắt giảm lãi suất dự kiến chậm lại (do thuế quan và chính sách giảm thuế dẫn đến lạm phát) và đồng USD ở mức cao với yếu tố đến từ kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực) có thể dẫn đến áp lực lãi suất và tỉ giá tăng tại nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Trong trung dài hạn, chính sách tăng thuế hàng hóa nhập khẩu và chính sách tài khóa mở rộng của Mỹ có thể khiến giá hàng hóa quốc tế tăng nhẹ hoặc duy trì ở mức cao. Dù vậy, theo tôi, Chính phủ và DN Việt Nam đã dần thích nghi và sẽ có những phản ứng phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực. Dự báo trong 2 năm tới, tỉ giá USD/VNĐ sẽ biến động tăng khoảng 2%-3%/năm và giữ được mặt bằng lãi suất khá ổn định, lạm phát xoay quanh mức 3,5%-4%.

Với những diễn biến như dự báo ở trên, Việt Nam cần lưu ý những điều gì để có thể duy trì đà tăng trưởng, thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ?

- Việt Nam cần chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực; cần tiếp tục kiên định đa dạng hóa thị trường, đối tác, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả, thực chất các hiệp định, thỏa thuận đã ký với Mỹ. Đồng thời, cần trao đổi cởi mở và quyết liệt thực hiện một số biện pháp nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ. Tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là những sản phẩm, công nghệ mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, điện hạt nhân, khí hóa lỏng tự nhiên LNG, máy bay, thiết bị hàng không, thiết bị y tế, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nông sản...

Với nền kinh tế, cần tăng năng lực nội tại bằng cách minh bạch thông tin hàng xuất khẩu; phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ theo hướng xanh hóa, số hóa. Cần giải quyết hiệu quả các vấn đề khác mà phía Mỹ quan tâm như sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, dữ liệu, thao túng tiền tệ. Kiểm soát chất lượng dự án đầu tư FDI để giảm thiểu tình trạng "đội lốt, tránh thuế". Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, bao gồm cả các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao từ Mỹ, đặc biệt là các tập đoàn lớn, đa quốc gia và trong các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên như công nghệ cao, AI, bán dẫn, năng lượng, y tế, giáo dục.

Ông NGUYỄN QUỐC ANH, Chủ tịch Hội cao su Nhựa TP HCM:

Vừa mừng vừa lo

Khi ông Trump lên nắm chính quyền, khả năng chính phủ mới của Mỹ sẽ áp thuế nặng đối với hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Khi đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi, có cơ hội tăng xuất khẩu vào Mỹ. Ngược lại, DN cũng lo vì không loại trừ khả năng khi thặng dư thương mại Mỹ - Việt Nam tăng lên cao, Tổng thống mới của Mỹ sẽ có những động thái gây bất lợi cho Việt Nam. Không chỉ các DN ngành cao su nhựa mà DN nhiều ngành khác cũng vừa mừng vừa lo khi làm ăn với thị trường Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống Trump.

Hiện nay năng suất, công suất của DN đều dư thừa nên nếu trong kịch bản tích cực, đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ tăng, DN hoàn toàn có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang là "sân chơi" của các DN FDI, không có nhiều DN nội địa tham gia.

Ông BẠCH KHÁNH NHỰT, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas):

Ngành điều lạc quan

Mỹ là thị trường số 1 của xuất khẩu điều Việt Nam nhiều năm nay nên DN rất quan tâm tới các chính sách mới mà tân Tổng thống Mỹ có thể áp dụng. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 935 triệu USD hạt điều sang Mỹ, chiếm khoảng 20% thị phần. Qua phân tích, Mỹ không sản xuất hạt điều nhân mà phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong đó, nguồn cung từ Việt Nam có ưu thế vượt trội về chất lượng, giá cả, có lợi cho nhà nhập khẩu và người tiêu dùng nước Mỹ. Do đó, nếu xét về chủ trương " bảo hộ" của chính quyền Tổng thống Trump thì ngành điều không đáng lo vì không ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của nước Mỹ.

Ông VƯƠNG HIẾU, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (Long An):

Cần giảm chi phí logistics

Dự kiến, Mỹ sẽ áp dụng thuế suất nhập khẩu hàng hóa 10% sẽ là rào cản cho nông sản, trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm nên Việt Nam phải đầu tư thêm cho sản xuất để nâng chất lượng và cả đầu tư sau thu hoạch để đáp ứng các quy định mới, giữ được thị trường.

Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng như chanh dây Việt Nam sắp được xuất khẩu lô đầu tiên sang Mỹ để nâng cao giá trị xuất khẩu rau quả ở thị trường này. Ngoài ra, việc Mỹ tăng cường kiểm soát hàng Trung Quốc thông qua thuế và hàng rào kỹ thuật cũng khiến các nhà mua hàng chuyển hướng sang các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam. Những mặt hàng Việt Nam có lợi thế là bưởi, nhãn... có thể tận dụng được cơ hội. Tuy vậy, cần có giải pháp để giảm chi phí logistics, để nâng khả năng cạnh tranh cho rau quả Việt tại thị trường Mỹ.

Ngọc Ánh - Thanh Nhân ghi

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuc-day-hop-tac-kinh-te-viet-my-196250120211624595.htm