Thúc đẩy khai thác dầu khí trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng

Với xu thế của chuyển dịch năng lượng, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ hướng tới các nguồn năng lượng xanh - sạch, ít phát thải ra môi trường nên sẽ hạn chế năng lượng hóa thạch. Điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp dầu khí. Do đó, cần nhanh chóng đổi mới để tận dụng được lợi thế về thời gian với việc tận thu tối đa nguồn năng lượng hóa thạch.

Xu hướng sử dụng năng lượng xanh hơn là tất yếu, ngày càng diễn ra nhanh và mạnh hơn. Với xu hướng như vậy, nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm đi, mức độ cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch so với các nguồn năng lượng khác sẽ ngày càng giảm đi. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng chuyển dịch dần sang nguồn năng lượng xanh, ít phát thải ra môi trường. Bên cạnh đó, các thỏa thuận chung về môi trường sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động dầu khí, thắt chặt chính sách hơn đối với các hoạt động của lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí (E&P).

Xu hướng chuyển dịch năng lượng diễn ra mạnh mẽ

Xu hướng chuyển dịch năng lượng diễn ra mạnh mẽ

Ở nước ta hiện nay, hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo đều đang khai thác với mức độ suy giảm sản lượng cao (Bạch Hổ, cụm mỏ Sư Tử, Tê Giác Trắng, Lan Tây,…) đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai thác (tận thu hồi dầu). Trong khi đó, các mỏ mới được đưa vào khai thác chậm do thiếu vốn, vướng mắc các thủ tục đầu tư, rất khó khăn để duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, mở rộng thăm dò. Các mỏ/vỉa mới dự kiến đưa vào khai thác phần lớn là mỏ/vỉa có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ. Với dầu khí tại chỗ còn lại thì khí chiếm tỷ trọng lớn hơn dầu, phân bổ không đều, tập trung ở vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa chất và kỹ thuật khai thác gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp và nhiều thách thức,… dẫn đến giá cao, chi phí phát triển và vận hành mỏ tăng lên đáng kể, tiến độ phát triển mỏ khí phụ thuộc nhiều yếu tố nên không chắc chắn.

Do đó, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến sản lượng dầu trong nước tiếp tục suy giảm, nếu không có cơ chế ưu đãi đầu tư phù hợp để đưa vào phát triển các phát hiện đã được tìm thấy trong giai đoạn trước, cũng như tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ mới.

Đẩy nhanh tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí nhằm tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao - Ảnh: Vương Thái

Đẩy nhanh tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí nhằm tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao - Ảnh: Vương Thái

Để làm được điều này, cũng như tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao, cần tích cực triển khai công tác thăm dò khai thác và phát triển mỏ để khai thác nguồn tài nguyên dầu khí sớm nhất. Trong đó có việc phát triển và đưa các mỏ đã có phát hiện dầu, khí vào khai thác sớm trong điều kiện lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm theo thời gian, đặc biệt là đối với dầu thô; đồng thời, nghiên cứu sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên có hàm lượng CO2 cao để có thể nhận lợi ích đồng thời từ việc sử dụng nguồn hydrocabon, sử dụng CO2 và chứng chỉ giảm phát thải.

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí nhằm tận thu nguồn tài nguyên quốc gia trong điều kiện chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh chóng, bao gồm: Chính sách cho hoạt động nghiên cứu áp dụng các giải pháp nâng cao thu hồi dầu, khí tại các mỏ; khai thác mỏ nhỏ/cận biên; tận dụng khai thác các mỏ do nhà thầu nước ngoài trả lại vì lý do kinh tế. Cơ quan quản lý Nhà nước về dầu khí cần có chủ trương nhất quán và ổn định cho công tác thăm dò, khai thác dầu khí; xây dựng nguồn quỹ phù hợp với tìm kiếm thăm dò; kiện toàn khung pháp lý về dầu khí theo hướng tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư triển khai công việc trong tình hình mới, tránh chồng chéo với các quy định khác.

Đối với các dự án khí lớn, có vai trò quan trọng với an ninh năng lượng đất nước, cần có những hướng dẫn triển khai cụ thể và cơ chế phù hợp để đảm bảo phát triển đồng bộ cả chuỗi dự án, đạt được tiến độ và hiệu quả đầu tư. Theo TS. Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm cho sự thành công của ngành công nghiệp khí là tính đồng bộ về thời gian, kế hoạch, trình tự hoàn thành các khâu. Hiệu quả toàn dự án là hiệu quả chuỗi, tích hợp từ khâu khai thác đến phân phối và hộ tiêu thụ cuối cùng. Sự chậm trễ và tính không đồng bộ, thiếu sự chỉ đạo quyết đoán từ cơ quan quản lý Nhà nước sẽ làm mất yếu tố thời cơ, gây thiệt hại không đáng có.

Ông Nguyễn Quỳnh Lâm - Tổng Giám đốc Vietsovpetro cho biết, với một hợp đồng dầu khí, nếu may mắn 3 - 5 năm mới có phát hiện, sau đó 7 năm nếu nhanh đối với dầu để có dòng dầu đầu tiên. Nếu là khí, may mắn thì 10 năm sau mới có sản phẩm. Do đó, bây giờ chúng ta sửa đổi Luật Dầu khí cũng đã khá muộn, bởi 10 - 15 năm sau mới có kết quả. Trong khi đó, do xu hướng chuyển dịch năng lượng, trên thế giới năng lượng tái tạo đang dần thay thế nhiên liệu hóa thạch. Câu hỏi đặt ra là thế giới thay đổi, chúng ta thay đổi không? Trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, tất cả các công việc khó phức tạp, nước sâu xa bờ, áp suất cao, nhiệt độ cao, mỏ nhỏ, mỏ cận biên,… chúng ta làm được hết nhưng chính sách không thể đáp ứng được. Cần nhanh chóng thay đổi hợp đồng dầu khí, tức là thay đổi điều kiện ăn chia, khuyến khích để hiện thực hóa sớm giá trị tài nguyên, đem đến nguồn thu cho đất nước.

M.P

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thuc-day-khai-thac-dau-khi-trong-boi-canh-chuyen-dich-nang-luong-643673.html