Thúc đẩy khoan dung tôn giáo ở Indonesia

Chính phủ thường coi Pancasila là cơ sở cho sự khoan dung và chung sống tôn giáo, mặc dù việc áp dụng có thể khác nhau.

Việt dịch: Sa môn Lê Văn Phước
Nguồn: https://talkabout.iclrs.org

Tự do tôn giáo ở Indonesia là một vấn đề phức tạp và tinh tế. Hiến pháp của nước Cộng hòa Indonesia đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng thật không may, trên thực tế đời sống tôn giáo thường phức tạp hơn.

Alwi Shihab, Bộ trưởng, đặc phái viên của Tổng thống IndonesiaẢnh:https://talkabout.iclrs.org/

Alwi Shihab, Bộ trưởng, đặc phái viên của Tổng thống IndonesiaẢnh:https://talkabout.iclrs.org/

Hậu quả của cuộc cải cách ở Indonesia

Bắt đầu từ năm 1998, Indonesia đã trải qua một cuộc cải cách, tạo điều kiện cho sự tự do và dân chủ hóa lớn hơn sau chế độ độc tài kéo dài của Tổng thống thứ hai của Indonesia Suharto (nhiệm kỳ 1967-1998). Môi trường tự do hơn đã tạo điều kiện cho sự gia nhập và ảnh hưởng của các trường phái Hồi giáo cấp tiến, vốn đã bị cấm dưới thời cựu Tổng thống Suharto. Ai cũng biết rằng dưới thời cựu Tổng thống Suharto, Indonesia đã được hưởng sự khoan dung giữa các cộng đồng tôn giáo vì các nhóm cực đoan hoặc xuyên quốc gia, đặc biệt là từ Trung Đông, không có ảnh hưởng nào.

Trong thời kỳ cựu Tổng thống Suharto, Indonesia có hai tổ chức Hồi giáo “nội địa” quan trọng, không chịu ảnh hưởng của các cộng đồng bên ngoài hoặc tư tưởng Hồi giáo cấp tiến. Sau cải cách, dưới chiêu bài tự do ngôn luận, các cộng đồng và nhóm bên ngoài đã cố gắng lợi dụng quyền tự do ngôn luận và đầu độc tâm trí của người dân Indonesia bằng cách đưa vào và truyền bá tư tưởng cấp tiến. Trong khi người dân Indonesia hài lòng với cuộc cải cách, họ đã phải chịu những hậu quả không mong muốn từ sự ra đời của phong trào cấp tiến, bao gồm vụ đánh bom Bali năm 2002 và vụ đánh bom Marriott năm 2003 và 2009.

Trước đó, người dân Indonesia sống trong hòa bình. Hai tổ chức được cho là chịu trách nhiệm cho các vụ đánh bom đó là trụ cột của giáo lý Hồi giáo ở Indonesia; không ai có thể tưởng tượng rằng chúng sẽ gây ra chủ nghĩa khủng bố và tư tưởng cực đoan. Nhưng hành động của chúng là hậu quả không mong muốn của quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tôn giáo do cuộc cải cách năm 1998 mang lại. Sau thời Suharto, 5-1998, hầu hết các cải cách cơ bản về luật bầu cử và hiến pháp Indonesia đều đạt được những thành công nhất định.

Khoan dung tôn giáo và phân biệt đối xử ở Indonesia

Indonesia là một quốc gia thế tục với sự nêu bật mạnh mẽ vào sự khoan dung tôn giáo. Hiến pháp đảm bảo mọi công dân có quyền lựa chọn và thực hành tôn giáo của mình. Tuy nhiên, nhà nước chỉ chính thức công nhận sáu tôn giáo: Hồi giáo, Tin lành, Công giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Nho giáo. Ngoài sáu tôn giáo này, bất kỳ tôn giáo mới nào cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Indonesia có cộng đồng Hồi giáo đông nhất thế giới, với hơn 85% dân số theo đạo Hồi, chủ yếu là người Hồi giáo Sunni. Mặc dù có sự khoan dung chính thức đối với các tôn giáo khác, bao gồm các tôn giáo được công nhận chính thức khác cũng như các nhóm tôn giáo bản địa, các tôn giáo thiểu số đôi khi phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, cả về mặt xã hội và pháp lý. Luật báng bổ hình sự hóa hành vi phỉ báng hoặc xúc phạm các tôn giáo được công nhận thường bị chỉ trích vì được sử dụng để nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số hoặc các cá nhân bị coi là thách thức nguyên trạng.

Chính trị đóng một vai trò trong việc này. Những trường hợp đáng chú ý như việc cựu thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama bị kết án hai năm tù giam vì tội báng bổ làm nổi bật mối lo ngại về việc sử dụng sai mục đích các luật này.

Hơn nữa, tỉnh Aceh ở phía bắc Sumatra đã thực hiện luật Sharia (luật tôn giáo hình thành ra một phần của truyền thống Hồi giáo) đối với công dân Hồi giáo của mình, trái ngược với phần còn lại của Indonesia hoạt động theo hệ thống pháp luật thế tục. Việc thực thi luật Hồi giáo này đã làm dấy lên mối lo ngại về quyền tự do tôn giáo, đặc biệt là đối với cư dân không theo đạo Hồi và khách du lịch ở Aceh, một vùng đặc biệt của Indonesia, nằm tại bắc đảo Sumatra.

Xây dựng cơ sở thờ tự tín ngưỡng tôn giáo cho các cộng đồng không theo đạo Hồi, đặc biệt là các nhà thờ Thiên chúa giáo, có thể rất khó khăn. Mặc dù Sắc lệnh chung của Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Indonesia đã được ban hành vào năm 2006, việc xây dựng cơ sở thờ tự tín ngưỡng tôn giáo vẫn đòi hỏi sự chấp thuận và giấy phép rộng rãi của cộng đồng, thường dẫn đến sự chậm trễ hoặc từ chối, đặc biệt là ở các khu vực có đa số người Hồi giáo.

Một ví dụ về sự phản đối này liên quan đến việc xây dựng một nhà thờ ở một khu vực chủ yếu là người Hồi giáo ở Cilegon, một thành phố công nghiệp ven biển lớn ở tỉnh Banten, Indonesia. Mặc dù chính quyền trung ương đã chấp thuận cho việc xây dựng nhà thờ, nhưng chính quyền địa phương vẫn miễn cưỡng cấp giấy phép xây dựng vì áp lực từ một nhóm cực đoan. Hy vọng rằng vấn đề hiện đã được giải quyết.

Chúng tôi đang cố gắng khắc phục những sự cố này và các sự cố khác về sự không khoan dung tôn giáo, phân biệt đối xử và bạo lực.

Ví dụ, cộng đồng Cơ đốc giáo và Cộng đồng Hồi giáo Ahmadiyya đã trải qua các cuộc tấn công vào nơi thờ cúng của họ.

Tương tự như vậy, những người theo đạo Hồi giáo Shia và cộng đồng tôn giáo Bahá’í phải đối mặt với sự kỳ thị xã hội và đôi khi thậm chí là bạo lực từ các nhóm Hồi giáo Sunni cực đoan. Chúng tôi đã không trải qua những thái độ và cách đối xử khắc nghiệt như vậy trước cuộc cải cách; thay vào đó, các nhóm xuyên quốc gia đã du nhập và thâm nhập vào đất nước đã mang đến những thái độ không khoan dung.

Chính phủ và hai tổ chức Hồi giáo trong nước, Muhammadiyah và Nahdlatul Ulama, những tổ chức xã hội Hồi giáo lớn nhất ở Indonesia đã có những nỗ lực tích cực thông qua Pancasila, triết lý nhà nước của Indonesia - năm nguyên tắc hoặc trụ cột của Indonesia, triết lý quốc gia thúc đẩy niềm tin vào một Chúa và sự thống nhất trong đa dạng. Chính phủ thường coi Pancasila là cơ sở cho sự khoan dung và chung sống tôn giáo, mặc dù việc áp dụng có thể khác nhau.

Pancasila là 5 nguyên tắc có sự liên hệ chặt chẽ và không thể chia rời được xem là cơ sở triết lý cho nhà nước Indonesia. Những nguyên tắc này bao gồm:

1) Chỉ tin duy nhất vào đức chúa trời

2) Sự nhân đạo văn minh và công bằng

3) Sự thống nhất của Indonesia

4) Nền dân chủ được hướng dẫn bởi trí tuệ nội tại và sự đồng thuận qua tranh luận giữa những người đại diện

5) Công bằng xã hội cho toàn thể nhân dân Indonesia.

Nỗ lực đối thoại liên tôn

Đối thoại liên tôn đang được phổ biến ở Indonesia. Nhiều sáng kiến thúc đẩy đối thoại liên tôn và khoan dung tôn giáo ở Indonesia được các tổ chức xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo tôn giáo ôn hòa hỗ trợ. Những nỗ lực này nhằm mục đích giảm căng thẳng tôn giáo và thúc đẩy sự hiểu biết.

Mặc dù Indonesia cung cấp sự bảo vệ theo Hiến pháp cho quyền tự do tôn giáo, nhưng việc áp dụng sự bảo vệ này có thể không nhất quán, đặc biệt là đối với các nhóm tôn giáo thiểu số - như đã đề cập trước đó, ví dụ, trong việc xây dựng cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, Indonesia vẫn tiếp tục quảng bá mình là hình mẫu của sự khoan dung tôn giáo trong một xã hội đa dạng và đa nguyên, mặc dù có những thách thức đáng kể.

Kiến trúc Phật giáo Indonesia. Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh sưu tầm.

Kiến trúc Phật giáo Indonesia. Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh sưu tầm.

Viện Leimena và sự thúc đẩy sự đa dạng tôn giáo, đa văn hóa

Tôi xin kết thúc bài viết bằng những nỗ lực của Viện Leimena nhằm giảm thiểu những thách thức này. Ba năm trước, Viện Leimena đã hợp tác với nhiều tổ chức Hồi giáo để thành lập một chương trình giáo dục Kỹ năng đọc viết tôn giáo đa văn hóa (Cross-Cultural Religious Literacy - CCRL) tại Indonesia.

Chương trình này nhằm mục đích khai sáng và giáo dục giáo viên của các trường madrasas, các trường học lấy Hồi giáo làm trung tâm, từ lâu đã truyền bá kiến thức và xóa mù chữ trên khắp thế giới Hồi giáo.

Tại sao? Bởi vì, theo một cuộc khảo sát, hơn 50% giáo viên tôn giáo bị ảnh hưởng bởi sự không khoan dung. Con số này rất đáng báo động, vì giáo viên tôn giáo là những người xây dựng thế hệ trẻ. Nếu chúng ta không giảm thiểu được thách thức này, nhiều thế hệ thanh thiếu niên Indonesia có thể trở thành những người không khoan dung.

Mục đích của chương trình không gì khác ngoài việc giáo dục và khai sáng cho giáo viên của các trường madrasas để họ biết được những lời dạy chính xác của đạo Hồi, vốn không hề cực đoan và không khoan dung. Chương trình này không chỉ hướng đến giáo viên Hồi giáo mà còn giúp giáo viên tôn giáo Cơ đốc tìm hiểu về những lời dạy của đạo Hồi từ nguồn gốc ban đầu - Kinh Qur'an và cuộc đời gương mẫu của Nhà tiên tri - mà không hề cổ xúy cho sự không khoan dung hay vi phạm nhân quyền. Đến nay, chương trình đã đào tạo được khoảng 10.000 người.

Hằng năm, ở Indonesia, tranh cãi lại nổ ra trong mùa Giáng sinh. Một số giáo viên cấp tiến cho rằng người Hồi giáo bị cấm chào người theo đạo Thiên chúa trong mùa Giáng sinh. Chúng tôi giải thích cho giáo viên của mình rằng Kinh Qur'an không nói như vậy. Thay vào đó, Kinh Qur'an nhấn mạnh, “Khi được chào hỏi (lịch sự), hãy chào hỏi lịch sự hơn nữa, hoặc (ít nhất) lịch sự ngang bằng” (4:86).

Muhammad, nhà tiên tri đáng kính của đạo Hồi, Chúa không cấm bạn đối xử công bằng và tử tế với những người không chống lại tôn giáo của bạn và không cố đuổi bạn ra khỏi đất nước của bạn. Tôi luôn nhấn mạnh với các giáo viên tham gia của chúng tôi rằng cộng đồng người không theo đạo Hồi ở Indonesia không cố đuổi chúng tôi khỏi Indonesia hoặc chống lại tôn giáo của chúng tôi. Vậy tại sao không thử tuân theo câu này của Kinh Qur'an?

Cuối cùng, nhà tiên tri đáng kính của đạo Hồi nói rõ với những người không theo đạo Hồi rằng họ không chịu trách nhiệm về những gì người Hồi giáo làm, và người Hồi giáo cũng không chịu trách nhiệm về những gì người không theo đạo Hồi làm; hãy để Chúa tập hợp chúng ta lại với nhau ở thế giới bên kia và để Ngài tiết lộ ai trong chúng ta đang đi đúng hướng hay không (Kinh Qur'an 42:15) - có nghĩa là chúng ta hãy thực hành lòng khoan dung hoàn toàn thay vì nguyền rủa lẫn nhau. Đây là những gì chúng tôi hy vọng sẽ thực hiện thông qua Viện Leimena: phát triển mạnh mẽ và mở rộng ra tất cả các nước ASEAN để giúp tạo ra một cộng đồng bao trùm và tinh thần khoan dung ngày càng mở rộng.

(Trích nội dung bài Phát biểu của Alwi Shihab, Bộ trưởng, đặc phái viên Tổng thống Indonesia tại Trung Đông và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo).

Việt dịch: Sa môn Lê Văn Phước/Nguồn: https://talkabout.iclrs.org

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/thuc-day-khoan-dung-ton-giao-o-indonesia.html