Thúc đẩy kinh tế số phát triển

Việc ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động của nền kinh tế theo hướng hiệu quả, tối ưu hơn đã hình thành một nền kinh tế số không biên giới, mang lại giá trị cao. Tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đầu tư cơ sở hạ tầng số để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tạo động lực phát triển kinh tế số phát triển, bắt nhịp với xu thế phát triển hiện nay.

Vận hành dây chuyền sản xuất tự động tại Công ty CP Hóa chất Việt Trì.

Vận hành dây chuyền sản xuất tự động tại Công ty CP Hóa chất Việt Trì.

Năm 2023, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, điện tử viễn thông xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện tổng giá trị ước đạt trong năm hơn 6,8 tỉ USD. Đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử với trên 6.100 tổ chức, doanh nghiệp, trên 1.100 hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn phần mềm hoạt động đa nền tảng phục vụ chuyển đổi số cho các đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng, vận hành phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp hoạt động trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng “Agritech - Chuỗi nông nghiệp số” cho thiết bị di động; triển khai mô hình “Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với TMĐT tỉnh Phú Thọ” tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp nhằm chuẩn hóa quy trình sản suất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa và xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị.

Bước đầu đã hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) như: CSDL ngành trồng trọt (csdltrongtrot.mard.gov.vn); ứng dụng CNTT và hệ thống thông tin địa lý toàn cầu (GIS) trong quản lý trồng trọt và bảo vệ thực vật; Triển khai phát triển dữ liệu vùng sản xuất chăn nuôi tập trung, dữ liệu thức ăn chăn nuôi; hệ thống CSDL phục vụ cấp và quản lý mã số định danh cơ sở chăn nuôi trực tuyến; dữ liệu về thú y, giám sát, cảnh báo dịch bệnh động vật; phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (FORMIS), quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra SMART tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Tiếp tục cập nhật triển khai phát triển CSDL hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (điều tra, kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp, theo dõi diễn biến và công tác phòng cháy chữa cháy rừng,...). Triển khai hiệu quả các CSDL quản lý Thủy sản; quản lý thủy lợi; quản lý Phát triển nông thôn; quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Mô hình trồng bưởi đặc sản Đoan Hùng được Trung tâm khuyến nông hỗ trợ thực hiện mô hình chuyển đổi số tuyên truyền các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm từ năm 2021 của gia đình bà Vũ Thị Tráng- khu 2, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng rộng 2ha với nhiều giống bưởi như: Bưởi Đoan Hùng tôm xanh, bưởi Diễn, Da xanh, Cát Quế... Bà Tráng chia sẻ, từ khi thực hiện mô hình chuyển đổi số, mọi người chỉ cần quét mã QR là có thể nắm bắt được thông tin về vườn bưởi của gia đình tôi. Mỗi năm vườn bưởi thu khoảng hơn bốn vạn quả, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, các siêu thị, lượng sản phẩm tiêu thụ được nhiều và rộng rãi hơn.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng CNTT vào sản xuất kinh doanh, cùng với việc đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, các doanh nghiệp đã ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, quản trị tổng thể doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Qua thực tế triển khai chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã bước đầu có những kết quả tích cực, các doanh nghiệp đã từng bước số hóa các dữ liệu của doanh nghiệp, thực hiện thuế điện tử, hải quan điện tử, ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, quản trị tổng thể doanh nghiệp; kết nối thiết bị theo công nghệ IoT để quản lý tự động hóa dây chuyền sản xuất, hệ thống ERP (Hoạch định nguồn lực của Doanh nghiệp); phần mềm kế toán và bán hàng liên thông; phần mềm xuất hóa đơn tài chính; cập nhật đầy đủ thông tin về bảo hiểm xã hội của người lao động trên phần mềm BHXH...

Việc sử dụng các phần mềm quản lý sản xuất, từ quy trình quản lý chất lượng sản phẩm cho đến giải quyết các chế độ cho người lao động được công ty số hóa để phân tích làm cơ sở đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời. Đặc biệt, dữ liệu được kiểm soát từ nguồn, các bước nghiệp vụ được thực hiện gần như tự động, do đó tiết kiệm rất nhiều về thời gian, chi phí. Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã thay đổi toàn diện tư duy, cách thức làm việc, mô hình hoạt động từ truyền thống sang hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chuyen-doi-so/thuc-day-kinh-te-so-phat-trien/204226.htm