Thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia

'Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài, mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển đất nước'. Nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được thực chứng trong giai đoạn gần 40 năm 'Đổi mới' của Việt Nam. Cùng với trợ lực Ngành ngân hàng từ những ngày đầu, khu vực kinh tế tư nhân đã trỗi dậy mạnh mẽ trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

 “Chúng ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới để đưa đất nước vươn mình, cất cánh, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. (Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trong Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2025)

“Chúng ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới để đưa đất nước vươn mình, cất cánh, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. (Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trong Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2025)

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Đại hội VI của Đảng năm 1986, khởi xướng công cuộc Đổi mới đã tạo ra bước đột phá lớn và toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội khi xác định “Phải có chính sách mở đường cho người lao động tự tạo ra việc làm, kích thích mọi người đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm tiêu dùng để tích lũy, mở rộng tái sản xuất trên quy mô toàn xã hội…; đi đôi với việc phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, tăng cường nguồn tích lũy tập trung của Nhà nước và tranh thủ vốn nước ngoài, cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác”. Đại hội VI cũng khẳng định “Cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế… Xóa bỏ những thành kiến thiên lệch trong sự đánh giá và đối xử với người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau… tạo nên môi trường tâm lý xã hội thuận lợi cho việc thực hiện chính sách sử dụng và cải tạo nền kinh tế nhiều thành phần”.

Phía sau sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân lớn, luôn có sự đóng góp của ngân hàng

Phía sau sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân lớn, luôn có sự đóng góp của ngân hàng

Chủ trương này đã khơi dậy, tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội; Và càng được khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ với “Cuộc cách mạng” chuyển đổi mô hình từ hệ thống ngân hàng với duy nhất một cấp sang mô hình 2 cấp gồm NHNN và các NHTM (ngân hàng chuyên doanh). Từ đây với việc tách bạch giữa chức năng quản lý và kinh doanh trong hệ thống ngân hàng, một thị trường về tín dụng ngân hàng thực sự đã được hình thành với việc vận hành các NHTM tạo ra động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển toàn diện.

"Xác định phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp tư nhân nói riêng", Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Đào Minh Tú cho biết.

Những trợ lực Ngành ngân hàng cho khu vực kinh tế tư nhân ngày càng sâu rộng theo diễn tiến triển khai các chủ trương chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp đến là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Trong đó, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt phù hợp với điều kiện thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đồng thời gia cố “bệ đỡ” cho kinh tế tư nhân ngày càng vững trãi với việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho hệ thống các TCTD phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Đặc biệt, NHNN xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ là 1 trong 5 đối tượng ưu tiên trong thực hiện các chính sách tín dụng, như lãi suất ưu đãi cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường; Đồng thời ưu ái hơn thời hạn cho vay, thời hạn trả nợ, thủ tục tiếp cận. Doanh nghiệp tư nhân cũng là đối tượng thụ hưởng nhiều chính sách tín dụng ưu đãi (về lãi suất, thời hạn, tài sản đảm bảo và cơ chế xử lý rủi ro đặc thù) theo ngành/lĩnh vực kinh tế, như: Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Chính sách cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ; Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình cho vay liên kết thực hiện Đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình cho vay nhà ở xã hội; Các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước tại NHCSXH…

TCTD không chỉ triển khai chính sách ưu đãi chung, mà còn dành nguồn lực để đưa ra các gói ưu đãi riêng cho khu vực kinh tế tư nhân, thậm chí xây dựng các gói sản phẩm, sản phẩm riêng biệt cho từng phân khúc. Đồng thời, NHNN cùng các TCTD theo sát diễn tiến nền kinh tế để những hỗ trợ kịp thời giúp khu vực kinh tế tư nhân, gia tăng sức chống chịu, sức bền để hồi phục phát triển như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động khủng hoảng kinh tế, Covid 19, hay bão lũ.

Các chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp được triển khai rộng khắp

Các chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp được triển khai rộng khắp

Các chính sách của Chính phủ và của Ngành ngày càng thẩm thấu và đi sâu vào cuộc sống cùng với tinh thần "cộng sinh" và các chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp được triển khai rộng khắp. Ngay cả những ngày đầu năm 2025 mặc dù bận rộn triển khai sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị thuộc NHNN và theo định hướng tại Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18, song ngay sau khi đưa vào vận hành hệ thống NHNN khu vực từ ngày 1/3/2025, Ban lãnh đạo NHNN đã tổ chức các đoàn công tác do đích thân Thống đốc NHNN và các Phó Thống đốc NHNN làm trưởng đoàn đi khảo sát tình hình vận hành các NHNN Khu vực và tổ chức các hội nghị thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương từ Bắc vào Nam.

Với sự tham dự của lãnh đạo chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các TCTD, nhiều khó khăn vướng mắc đã được thấu hiểu và tháo gỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% của cùng kỳ năm trước.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tính đến cuối năm 2024 Ngành Ngân hàng đã có hàng trăm tổ chức tín dụng hỗ trợ vốn cho kinh tế tư nhân với dư nợ gần 7 triệu tỷ đồng trong tổng dư nợ của toàn nền kinh tế 15,8 triệu tỷ đồng (chiếm gần 44%). “Với lượng vốn chiếm 44% tổng dư nợ thì doanh số cho vay với kinh tế tư nhân là rất lớn” ông nói. Những vòng quay tiền tệ ngày một nhanh điểm thêm minh chứng cho quy mô và hiệu quả đầu tư vào khu vực này. Trong đó, chỉ riêng trong năm 2024, doanh số cho vay đạt khoảng 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ khoảng gần 21 triệu tỷ đồng.

Những trợ lực của ngân hàng trong gần bốn thập kỷ qua trở thành điểm tựa cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có những sự phát triển vượt bậc. Từ một thành phần kinh tế còn nhỏ lẻ, manh mún thành đóng vai trò thứ yếu, đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN tại Việt Nam.

Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế. Những thành quả này cũng góp phần ghi dấu một Việt Nam kiên cường, bứt phá và khát khao phát triển trong chặng đường gần 40 năm đổi mới trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 32 thế giới năm 2024 và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Động lực xây dựng nước Việt Nam “hơn mười ngày nay”

“Chúng ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới để đưa đất nước vươn mình, cất cánh, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam “hơn mười ngày nay”, chúng ta cần phải giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội” Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trong Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Trong đó để tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên và đạt hai con số trong giai đoạn 2026-2030, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển; điều chỉnh không gian kinh tế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế; xác lập mô hình tăng trưởng mới lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

“Kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030; ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc tế; cùng cả nước xây dựng nên một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng”.

Tổng Bí thư Tô Lâm

(trích bài viết Phát triển kinh tế tư nhân, đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng)

Tuy nhiên, phát triển khu vực kinh tế tư nhân còn không ít thách thức khi các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh. Chưa kể năm 2025 dự báo cho thấy tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại gia tăng và chi phí vay cao ở nhiều quốc gia. Các khó khăn nêu trên sẽ tác động lớn đến nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân.

“Ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.” Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh. Tinh thần này đã và đang hiện thực hóa qua các kế hoạch chương trình hành động của toàn ngành Ngân hàng từ nhiều năm qua. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết Ngành Ngân hàng xác định rõ doanh nghiệp tư nhân là một trong những đối tượng, thành phần dứt khoát phải có sự quan tâm rất lớn trong quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động của Ngành. Trong đó để mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp tốt hơn, Phó thống đốc Đào Minh Tú giao trọng trách cho các TCTD, “phải thực sự chia sẻ, hỗ trợ với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là bạn hàng đối tác, là một thành tố trong hệ sinh thái của chúng ta để đồng hành. doanh nghiệp càng lúc khó khăn thì ngân hàng càng phải chia sẻ”.

"TCTD phải coi doanh nghiệp là đối tác, là một thành tố trong hệ sinh thái của chúng ta để đồng hành" Phó Thống đốc Đào Minh Tú

"TCTD phải coi doanh nghiệp là đối tác, là một thành tố trong hệ sinh thái của chúng ta để đồng hành" Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thời gian tới, NHNN đã ban hành Quyết định số 1364/QĐ-NHNN ngày 05/3/2025 thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết số 03/NQ-CP). Trong đó Thống đốc chỉ đạo “khẩn trương quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển”. Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngành ngân hàng trên môi trường số, triển khai các nhiệm vụ mang tính đột phá đổi mới sáng tạo với TCTD. Thống đốc giao các TCTD chủ động nghiên cứu xây dựng và triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhằm hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời công bố danh mục các bài toán lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia giải quyết...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách khác hỗ trợ doanh nghiệp như: nâng cao năng lực, tham gia mở rộng thị trường, thuế, đất đai... Vì vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng để tạo nên một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo; Xây dựng chính sách làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, qua đó khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có tính chiến lược.

Cần những quyết sách để nuôi dưỡng tinh thần doanh nghiệp

“Để kích hoạt tiềm năng vô cùng to lớn của khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta cần những quyết sách để nuôi dưỡng tinh thần doanh nghiệp, để quyền tự do kinh doanh được củng cố mạnh mẽ hơn nữa và doanh nghiệp được thực sự được phép tự do làm những điều pháp luật không cấm. Những quyết sách đó sẽ tạo nền tảng để quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định. Phương thức điều hành của cơ quan quản lý dựa nhiều hơn trên các nguyên tắc, công cụ thị trường hơn là các quyết định hành chính”

TS.Lê Duy Bình Economica Vietnam

Minh Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thuc-day-kinh-te-tu-nhan-tro-thanh-mot-dong-luc-quan-trong-nhat-cua-nen-kinh-te-quoc-gia-163659.html