Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất

Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ nhằm chuyển hóa phế phẩm, phụ phẩm công đoạn này thành nguyên liệu đầu vào cho công đoạn khác của quá trình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông, lâm, thủy sản để tiết kiệm chi phí, giảm chất thải tác động tới môi trường.

Từ nhiều năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng; lúa - tôm, lúa - cá, trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả, sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp, mô hình thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước...

Đặc biệt, những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đã tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học và hóa lý tái chế chất thải và phụ phẩm nông nghiệp từ cây trồng như rơm, rạ, lá cây, vỏ cà phê... đến chất thải chăn nuôi như phân, nước thải và xác động vật...để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, giúp giảm thiểu lượng rác thải, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Có thể kể đến những điển hình ứng dụng quy trình tuần hoàn khép kín trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ như Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, đơn vị đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng vi sinh vật bản địa xử lý phân bò, phân gà thành phân bón hữu cơ chuyên dùng cho cây lúa” từ năm 2021. Bình quân mỗi năm công ty sản xuất khoảng 600 tấn phân hữu cơ cho cây lúa từ nguồn nguyên liệu là phân bò, gà mua từ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, công ty đã sử dụng máy cuộn thu mua rơm rạ, xé nhỏ, xử lý cùng với trấu và men vi sinh để cung cấp đệm lót sinh học cho các hộ chăn nuôi.

Hoặc như Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Bốn Phương (huyện Hướng Hóa), mỗi năm, thành viên hợp tác xã đã tận dụng 30 - 40 tấn vỏ cà phê thu được sau khi chế biến để ủ thành 15 - 17 tấn phân hữu cơ vi sinh, dùng để bón lại cho cây cà phê. Cách làm này đã góp phần bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây cà phê cũng như giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh có 100% trang trại chăn nuôi gà sử dụng công nghệ đệm lót sinh học, hơn 90% trang trại chăn nuôi lợn, bò tái sử dụng chất thải chăn nuôi phục vụ cho lĩnh vực trồng trọt, nhiều trang trại áp dụng công nghệ máy ép phân, tách phần chất thải rắn làm phân bón, phần nước đưa vào hầm biogas...

Nhiều trang trại trồng trọt, chăn nuôi khép kín theo mô hình VAC, VC đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có giá trị kinh tế cao. Một số cơ sở sản xuất, chế biến đã sử dụng công nghệ tuần hoàn trong tái sử dụng bã, xác phụ phẩm, nước trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản.

Mặc dù có những ưu thế vượt trội, song hiện nay việc phát triển KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn không ít rào cản. Nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhất là của người dân về KTTH nói chung, KTTH trong nông nghiệp nói riêng chưa đầy đủ. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ. Bên cạnh đó, vấn đề xử lý chất thải trong nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

Ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 540/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp đến năm 2030. Để triển khai đề án này, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị đã xây dựng dự thảo “Kế hoạch triển khai đề án phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển KTTH trong nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” và đang triển khai lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương để trình UBND tỉnh ban hành thực hiện.

Rõ ràng, phát triển KTTH trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Tuy vậy, việc áp dụng KTTH đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, cùng với việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Để thúc đẩy KTTH trong sản xuất nông nghiệp, trước hết cần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân về KTTH trong nông nghiệp. Tăng cường công tác truyền thông về mô hình KTTH trong nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn nông nghiệp, chương trình khuyến nông.

Triển khai đồng bộ các giải pháp như nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ nông nghiệp tuần hoàn. Xây dựng chương trình khuyến nông chuyển giao các công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn như công nghệ tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, chất thải từ sản xuất, chế biến các ngành lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu phát triển, làm chủ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất theo chu trình khép kín từ khâu bảo quản sau thu hoạch đến chế biến, thương mại. Đặc biệt, có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, vốn vay...để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển KTTH trong nông nghiệp.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thuc-day-kinh-te-tuan-hoan-trong-nong-nghiep-de-nang-cao-hieu-qua-san-xuat-187818.htm