Thúc đẩy ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm

Thỏa ước lao động tập thể nhóm là chính sách khung để các doanh nghiệp (DN) xây dựng thỏa ước tại đơn vị, từ đó chăm lo tốt hơn đời sống của người lao động (NLĐ).

Công nhân Công ty CP Đồng Phú Cường (H.Định Quán) trong giờ làm việc. Ảnh: Thảo My

Công nhân Công ty CP Đồng Phú Cường (H.Định Quán) trong giờ làm việc. Ảnh: Thảo My

Tuy nhiên, việc đối thoại, thương lượng và vận động các DN tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm là một quá trình dài, bởi không phải chủ DN nào cũng hiểu hết những lợi ích thiết thực từ thỏa ước lao động tập thể nhóm.

* DN vẫn còn băn khoăn

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, năm 2018, thỏa ước lao động tập thể nhóm ngành gỗ tại Đồng Nai được ký kết với 6 DN tham gia. Sau 5 năm thực hiện, các DN này không còn xảy ra tình trạng tranh chấp lao động như trước, quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng, không xảy ra tình trạng NLĐ nhảy việc từ công ty này sang công ty khác, bởi hầu hết các chế độ phúc lợi ở nhóm ngành này là như nhau.

Liên đoàn Lao động tỉnh đang tiếp tục vận động 2 nhóm DN dệt may tại H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa tham gia ký kết thỏa ước nhóm. Đây là hoạt động nằm trong dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành dệt may được ký kết giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Hà Lan.

Tại Công ty TNHH Fashion Garment (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa), một trong những nội dung thỏa ước khiến DN này băn khoăn là “hàng năm, DN xét nâng lương cho NLĐ với mức nâng ít nhất bằng 5% lương cơ bản”. DN cho biết sẽ phải tính toán kỹ, bởi nhiều năm nay công ty luôn tăng lương cho NLĐ trung bình trên 5% tổng quỹ lương căn cứ vào tình hình sản xuất, lợi nhuận của DN. Tuy nhiên, hiện tình hình sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, nếu cam kết như thỏa thuận thì công ty phải xem xét lại.

Liên quan tới điều khoản này, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Saitex International Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Phạm Thị Kiều Hương cho hay, việc tăng lương hàng năm 5% hơi khó với DN, bởi một khi đã cam kết thì DN phải thực hiện đúng theo quy định; trong khi việc tăng lương cho NLĐ phải dựa vào tình hình thực tế của DN cũng như tình hình kinh tế chung của khu vực. Ngoài ra, vấn đề tạo điều kiện cho NLĐ đi học cần phải cụ thể, rõ ràng hơn, bởi tại DN hàng năm đều tổ chức các khóa đào tạo cũng như tạo điều kiện để NLĐ đi học theo nhu cầu.

Điểm tiến bộ của thỏa ước nhóm là nội dung về tiền lương, bữa ăn giữa ca và bảo đảm duy trì các chế độ, phúc lợi cho NLĐ. Nếu DN thực hiện tốt các chính sách trên, chắc chắn NLĐ sẽ gắn bó, yên tâm cống hiến, đóng góp vào sự phát triển bền vững của DN.

Dự thảo thỏa ước nhóm ngành dệt may trên địa bàn Đồng Nai với các chính sách có lợi cho NLĐ như: hỗ trợ suất ăn giữa ca thấp nhất 20 ngàn đồng/người/suất; hỗ trợ nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi 50 ngàn đồng/tháng; hỗ trợ tiền chuyên cần, thưởng cuối năm…

Theo các DN, khi tham gia thỏa ước nhóm, DN có sự liên kết và đi đến thống nhất các chính sách phúc lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ các điều khoản và dựa vào “sức khỏe” kinh doanh của DN hiện nay để đưa ra các chế độ phù hợp, hài hòa lợi ích đôi bên.

* Đảm bảo quan hệ lao động hài hòa

Để đẩy nhanh tiến độ ký kết thỏa ước nhóm, Ban Tư vấn cấp tỉnh dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành dệt may gồm các sở, ngành liên quan vừa có buổi làm việc để bàn luận, thống nhất các nội dung trong dự thảo thỏa ước về các phúc lợi, chính sách hỗ trợ của DN đối với NLĐ. Trên cơ sở đó, Ban tư vấn cấp tỉnh gửi dự thảo thỏa ước cho các DN trước khi tiến hành ký kết. Việc ký kết sẽ được thực hiện giữa chủ DN và đại diện tập thể NLĐ.

Các thành viên Ban tư vấn cấp tỉnh cho rằng, thỏa ước nhóm giúp DN liên kết chặt chẽ với nhau trong hoạt động chăm lo quyền lợi NLĐ, hạn chế tình trạng nhảy việc, tranh chấp lao động. Thỏa ước nhóm ngành dệt may nếu ký kết sớm không chỉ tác động tích cực đến đời sống NLĐ trên diện rộng mà còn đặt nền móng quan trọng, lâu dài giữa các bên, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN. Bên cạnh đó, giúp NLĐ có thêm động lực làm việc.

Công ty TNHH Wacoal Việt Nam (TP.Biên Hòa) là một trong 6 DN dệt may được vận động tham gia thỏa ước nhóm ngành đợt này. Theo DN, năm 2021, thỏa ước lao động tập thể của công ty được ký mới với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ, trong đó có nhiều phúc lợi cao hơn luật định. Nếu tham gia thỏa ước nhóm thì công ty vẫn giữ nguyên các chính sách đó của mình; đồng thời chia sẻ, tạo động lực để các DN khác trong nhóm nỗ lực phấn đấu.

Bà Đặng Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Công đoàn công ty cho hay, tham gia thỏa ước nhóm, DN và NLĐ sẽ có 2 lợi ích là DN vừa ổn định được chế độ lương thưởng, nguồn lao động và NLĐ cũng có phúc lợi cao hơn.

“Năm 2023, có thời điểm DN giảm đơn hàng nhưng các chính sách vẫn thực hiện đầy đủ như đã ký kết tại thỏa ước lao động tập thể. Ngoài ra, DN không giảm lao động mà vẫn tìm kiếm đơn hàng, tạo việc làm cho NLĐ. Nếu tham gia thỏa ước nhóm ngành, DN có thêm sự kết nối các đơn vị cùng ngành và thống nhất nhiều chính sách tốt hơn cho NLĐ” - bà Lan chia sẻ.

Thảo My

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/202311/thuc-day-ky-ket-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-nhom-0016845/