Thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh và bền vững hơn

Ngày 30/8, UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tọa đàm 'Những diễn biến, xu hướng mới của kinh tế thế giới tác động đến sản xuất, xuất khẩu và thu hút đầu tư của một số địa phương phía Bắc'.

Các đồng chí: Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế đồng chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Phái đoàn Liên minh châu Âu, Hiệp hội doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam cùng đại biểu các tỉnh, TP phía Bắc.

Định hình các tiêu chuẩn mới

Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại tọa đàm.

Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu chào mừng, đồng chí Phan Thế Tuấn cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng và toàn diện thì mỗi xu thế, diễn biến mới của kinh tế thế giới đều tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng.

Với độ mở của nền kinh tế rất lớn, tỉnh Bắc Giang quan tâm đến chính sách hội nhập quốc tế, khai thác những điểm mạnh, tiềm năng của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 mở ra giai đoạn mới đầy triển vọng cho các địa phương, thúc đẩy hợp tác đối ngoại và thương mại, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh.

Các đồng chí chủ trì buổi tọa đàm.

Các đồng chí chủ trì buổi tọa đàm.

Để khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, tỉnh Bắc Giang coi trọng thu hút đầu tư và phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa, phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Tháng 10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) đạt 2,5 - 3% trong tổng cung năng lượng sơ cấp; tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, năng lượng tái tạo phục vụ cho tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Trong xu thế mới của kinh tế thế giới, đặc biệt là các xu hướng và tiêu chuẩn mới liên quan đến xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư; các nước phát triển đang có xu thế định hình các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng, phát triển nguồn năng lượng sạch; ứng phó với biến đổi khí hậu..., tỉnh Bắc Giang xác định đây vừa là cơ hội nhưng cũng là những khó khăn, thách thức rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư, phát triển thương mại, sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh. Những vấn đề trên cần có giải pháp hiệu quả để tăng cường khả năng thích ứng cho DN và người dân.

“Qua tọa đàm này, tỉnh Bắc Giang mong các chuyên gia, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thiết thực để địa phương vượt qua thách thức, kịp thời nắm bắt xu thế mới, xây dựng chính sách phát triển phù hợp với xu thế mới của thế giới” - đồng chí Phan Thế Tuấn nói.

Đồng chí Nguyễn Minh Hằng thông tin xu thế chuyển dịch kinh tế thế giới.

Đồng chí Nguyễn Minh Hằng thông tin xu thế chuyển dịch kinh tế thế giới.

Qua nắm bắt tình hình thực tế địa phương, đồng chí Nguyễn Minh Hằng đánh giá cao những thành tựu phát triển KT-XH của Bắc Giang. Đồng chí thông tin, thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi hết sức quan trọng, nhiều nhận định cho rằng giai đoạn hiện nay diễn ra những chuyển đổi mang tính lịch sử, sâu sắc nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Những chuyển đổi này do tác động ngắn hạn, chưa có tiền lệ. Chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển bền vững trở thành xu thế không thể đảo ngược. Các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế đang dần được định hình đều theo hướng gắn với các tiêu chí giảm phát thải các bon, phát triển bền vững, lao động, môi trường...

Nắm bắt, thích ứng với xu thế chuyển dịch

Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, các đại biểu tham dự đã chia sẻ nhiều nội dung liên quan. Khu vực phía Bắc gồm đồng bằng Sông Hồng, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Khu vực phía Bắc sẽ là một trong những vùng chịu tác động lớn từ những quy định mới sẽ được áp dụng trong thương mại, đầu tư quốc tế thời gian tới.

Ông Bartosz Cieleszynski giới thiệu về các tiêu chuẩn mới của châu Âu.

Ông Bartosz Cieleszynski giới thiệu về các tiêu chuẩn mới của châu Âu.

Một số xu thế chính nổi lên gồm: Bước đầu hình thành cơ chế định giá các bon qua biên giới; thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng gắn với các tiêu chí về phát triển bền vững, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, lao động, nhân quyền và chống tham nhũng; các nước gia tăng đầu tư cho chuyển đổi xanh, đầu tư cho phát triển công nghệ sạch; tăng cường liên kết và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực mới.

Các đại biểu dự tọa đàm.

Các đại biểu dự tọa đàm.

Theo ông Bartosz Cieleszynski, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, châu Âu luôn tiên phong trong áp dụng toàn diện nhất các tiêu chuẩn mới, đã ban hành một số loạt biện pháp sẽ đi vào thực thi trong 2-3 năm tới.

Tiêu chí giảm phát thải các bon, phát triển bền vững, lao động, môi trường, tăng trưởng xanh không còn là khuyến khích như trước nữa mà là quy định bắt buộc. Nếu DN không đáp ứng yêu cầu sẽ không thể xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu. Vì vậy DN phải sớm có lộ trình phù hợp để bắt kịp các quy định, tránh gián đoạn trong sản xuất, kinh doanh. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, quốc gia nào sớm đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ có những lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Đại diện DN tỉnh Bắc Giang kiến nghị một số thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu.

Đại diện DN tỉnh Bắc Giang kiến nghị một số thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam nhìn nhận, việc đặt ra một số quy định mới của châu Âu không chỉ là thách thức mà đây cũng là cơ hội và động lực để DN trong nước chủ động, kịp thời nắm bắt và thích ứng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững hơn. Thời gian qua, Hiệp hội đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa Việt Nam với các nước châu Âu.

Việt Nam đã tạo được hình ảnh thương mại tốt đẹp với liên minh châu Âu và đang là quốc gia tốp đầu mà các DN châu Âu lựa chọn để đầu tư. Điều này thể hiện rõ trong chính sách đầu tư và sự dịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, tại tỉnh Bắc Giang có ít DN châu Âu đầu tư tại khu công nghiệp. Với thế mạnh của Bắc Giang là hạ tầng kết nối với Thủ đô, môi trường kinh doanh cải thiện tốt, tới đây Hiệp hội sẽ giới thiệu thêm nhiều nhà đầu tư từ liên minh châu Âu về đầu tư tại Bắc Giang. Cùng đó, Hiệp hội cũng đề xuất một số quy định liên quan đến cấp thị thực đối với chuyên gia nước ngoài.

Ngoài ra, tại tọa đàm, một số đại biểu cũng gợi mở giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường châu Âu; giải đáp khó khăn về thủ tục truy xuất nguồn gốc nguyên liệu trong xuất khẩu hàng hóa; tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất xanh; ưu đãi cho DN khi đầu tư tại Bắc Giang… Tọa đàm đã giúp nhà quản lý, DN nắm bắt cụ thể hơn xu hướng chuyển dịch mới của kinh tế toàn cầu, từ đó mở ra cơ hội hợp tác với đối tác thuộc khối liên minh châu Âu; tạo động lực phát triển thời gian tới.

Tin, ảnh: Trịnh Lan - Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/410896/thuc-day-mo-hinh-tang-truong-xanh-va-ben-vung-hon.html