Thúc đẩy ngành du lịch Thủ đô phát triển bền vững

Ngành du lịch Thủ đô chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, hiện đang dần phục hồi và phát triển nhờ việc thực hiện đồng bộ các chính sách hiệu quả. Đặc biệt, trong thực hiện nghị quyết và công nghiệp văn hóa, Hà Nội xác định du lịch văn hóa là mũi nhọn; trong đó du lịch học đường có nhiều dư địa để phát triển bền vững.

Do tác động của dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2020 giảm sâu, chỉ đạt 8,65 triệu lượt. Đến năm 2021, ngành Du lịch Thủ đô càng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, khi lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu và chỉ còn khách du lịch nội địa với 4 triệu lượt.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham quan khu trưng bày mẫu Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Huy Kiên)

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham quan khu trưng bày mẫu Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Huy Kiên)

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, từ ngày 15/3/2022, nước ta triển khai chính sách mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch bao gồm du lịch quốc tế và nội địa, du lịch Hà Nội đã bắt đầu đón khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tăng trưởng mạnh.

Kết quả năm 2022, tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% năm 2019. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, bằng 21,4% năm 2019; Khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt, tăng 4,3 lần so với năm 2021, bằng 78,5% năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022; Khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt khách, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Trung Hiếu thông tin, 6 tháng đầu năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 61,1%; tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022. Hà Nội hiện có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; trong đó, có 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1- 5 sao với 25.550 phòng, chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng.

Hà Nội có 1.488 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và 319 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được cấp phép hoạt động. Thành phố hiện là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế được cấp phép, chiếm hơn 35% của cả nước (cả nước hiện có 4.223 doanh nghiệp).

Phố đi bộ Hồ Gươm là một trong những địa điểm thu hút đông du khách dịp cuối tuần

Phố đi bộ Hồ Gươm là một trong những địa điểm thu hút đông du khách dịp cuối tuần

Triển khai Luật Du lịch 2017 đến nay, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã công nhận 32 điểm du lịch, khu du lịch cấp Thành phố. Cơ bản các điểm du lịch được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành.

Tính đến tháng 6/2023, Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án cơ sở lưu trú, khách sạn cao cấp (từ 3-5 sao) với 15.510 phòng. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành đưa vào hoạt động 15 khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp với 3.737 phòng.

Bên cạnh đó, Thành phố đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ một số dự án đầu tư xây dựng khu công viên, vui chơi giải trí quy mô lớn, hiện đại như: Đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch Khu công viên thể thao giải trí thuộc dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu - Hà Nội; Đôn đốc tiến độ dự án Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia; Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa; Các dự án quy hoạch, đầu tư bảo tồn, tôn tạo công trình di tích lịch sử, văn hóa gắn với khai thác phát triển du lịch (khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ ở Đường Lâm...).

Đặc biệt, việc triển khai các tuyến giao thông kết nối từ Trung tâm Thành phố đến các khu du lịch trọng điểm được quan tâm phát triển. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 13 tuyến xe buýt tiếp cận với các khu, điểm du lịch trọng điểm và 2 tuyến xe buýt du lịch 2 tầng phục vụ khách du lịch đến Hà Nội tham quan, trải nghiệm.

Đáng chú ý, ngành Du lịch Thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm: Phát triển các điểm đến; Xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn; Tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch sôi nổi, hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch

Thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch

Các hoạt động tuyên truyền quảng bá đã giới thiệu được nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách. Năm 2022, Hà Nội nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2022” vào tháng 9/2022 và giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022” vào tháng 11/2022 do tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards 2022 đề cử và bình chọn.

Năm 2023, Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch như: Giải thưởng Travel + Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023, hạng mục “Thành phố” đã vinh danh thành phố Hà Nội thuộc top 10 thành phố hàng đầu Châu Á. Đồng thời, Hà Nội có 48/103 nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide, trong đó có 3 nhà hàng được gắn 1 sao Michelin - giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới.

Tại cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với Sở Du lịch Hà Nội, mới đây, các thành viên Ban Chỉ đạo đều thống nhất nhận định, dù đạt nhiều thành quả song phải thừa nhận, điểm đến ở Hà Nội chưa nhiều, phải quan tâm đến phát triển du lịch ngoại thành, cần tháo gỡ nhiều vướng mắc cơ chế thuê đất, sử dụng đất và có định hướng bền vững phát triển du lịch nông thôn.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU cho rằng, công tác quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cần bám sát quy hoạch chung của Thành phố.

Du lịch học đường còn nhiều dư địa để phát triển

Du lịch học đường còn nhiều dư địa để phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm; sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Vì vậy, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, trong phát triển du lịch Thủ đô, cần phải coi du lịch văn hóa là mũi nhọn; cần nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, đặc biệt coi trọng vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch bản địa.

“Khu nào, xóm nào làm du lịch thường rất văn minh, đời sống văn hóa nâng cao. Chúng ta cần đánh giá lại du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch học đường, mô hình nào cần nhân rộng. Với 21 di tích quốc gia đặc biệt của Thành phố, học sinh phải được đến đó. Thậm chí, xây dựng cho các em hành trình suốt năm học phổ thông cần đi những đâu. Hiện, du lịch học đường còn nguyên dư địa, với 2,2 triệu học sinh, nếu em nào cũng được đi thì đã góp phần vào giáo dục văn hóa truyền thống, di sản, lòng yêu nước”, ông Nguyễn Văn Phong bày tỏ.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, phát triển công nghiệp văn hóa cần coi du lịch văn hóa là mũi nhọn; cần phải kể câu chuyện văn hóa cho khách thập phương. Bởi văn hóa không chỉ là nền tảng mà còn là nguồn lực đột phá để phát triển bền vững.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuc-day-nganh-du-lich-thu-do-phat-trien-ben-vung-158323.html