Thúc đẩy nhanh việc thành lập các doanh nghiệp khoa học, công nghệ ở Đại học Quốc gia Hà Nội

Tại Hội nghị kết nối chuyên gia tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 17/5/2023, nhiều đề xúat về ý tưởng thành lập các donh nghiệp này đã được nêu ra và bàn thảo

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VNU.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VNU.

Ông Nguyễn Hiệu – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành ngày 08/02/2022 là văn bản pháp lý quan trọng nhằm định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới lên một tầm cao mới, đồng thời là đột phá chiến lược để phát triển trường trở thành đại học thông minh, đổi mới, sáng tạo.

Vừa qua, trường đã ban hành Hướng dẫn thành lập và phát triển doanh nghiệp để hỗ trợ các nhà khoa học hiện thực hóa cơ hội phát triển các nghiên cứu theo hướng ứng dụng, chuyển giao vào cuộc sống. Tuy nhiên, việc thành lập doanh nghiệp ở Đại học Quốc gia Hà Nội còn gặp phải nhiều vướng mắc từ cơ chế, chính sách.

CHỦ TRƯƠNG HỖ TRỢ CÁC NHÓM NGHIÊN CỨU

TS. Trần Hậu Ngọc, Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao vai trò của các viện nghiên cứu, trường đại học. Ông cho rằng đây là nơi tập trung lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sứ mệnh tạo ra tri thức mới, công nghệ mới cho xã hội; đồng thời là nhà sản xuất hàng hóa khoa học và công nghệ quan trọng nhất trên thị trường này.

Viện trưởng Trần Hậu Ngọc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các cơ sở đào tạo để làm cầu nối cho các nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Trưởng ban Khoa học - Công nghệ Vũ Văn Tích cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Lợi nhuận tạo ra từ việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm được sử dụng để tái đầu tư cho các nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển sản phẩm, phục vụ cộng đồng.

Hiện nay, nhà trường chủ trương hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trong việc thành lập doanh nghiệp như: hỗ trợ văn phòng làm việc tại khu vực nội thành, xưởng sản xuất thực nghiệm và đất triển khai thử nghiệm tại Khu tổ hợp nghiên cứu liên ngành 22,9ha tại Hòa Lạc. Ngoài ra, các doanh nghiệp được phê duyệt sẽ được tham gia VNU Holdings của trường, được ưu tiên hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, được sử dụng và khai thác phòng thí nghiệm, các sáng chế và giải pháp hữu ích…

ĐỂ CÁC NHÀ KHOA HỌC THAM GIA ĐÓNG GÓP SÂU VÀO HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

PGS. TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược đề xuất thành lập công ty TNHH một thành viên trong lĩnh vực y tế để các nhà khoa học có thể tham gia đóng góp sâu vào các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm y dược; Ươm tạo các ý tưởng, công nghệ nguồn để khởi nghiệp; Triển khai các nhiệm vụ hợp tác chuyển giao, tiếp nhận công nghệ trong lĩnh vực y dược.

Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, TS. Hoàng Văn Hà đề xuất dự án “Nhà máy sản xuất vật liệu tiên tiến” hợp tác với các đơn vị liên quan với diện tích 2ha tại Khu dự án viện nghiên cứu tại Hòa Lạc. Nhà máy là nơi triển khai các công nghệ nano, phụ gia công nghiệp công nghệ cao. Dự án hướng tới các sản phẩm mây tre đan, đồ gỗ mỹ nghệ, sơn phủ polymer kháng nấm mốc, vi khuẩn, hứa hẹn không phát thải khí, nước thải và chất rắn.

Đề xuất dự án “Sản xuất vật liệu và bao bì phân hủy sinh học cho phát triển xanh”, TS. Bùi Xuân Thành - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên mong muốn ứng dụng công nghệ hóa sinh góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thu gom và tái chế, xử lý rác thải, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

TS. Bùi Quang Hưng – Trường Đại học Công nghệ đề xuất dự án công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường WeMap. TS. Bùi Quang Hưng mong muốn được kết nối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng như các nhà quản lý, bộ ngành.

Đại diện Viện Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Văn Giang trình bày kế hoạch dự kiến thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ VNU-CRES. Theo đó, hướng hoạt động của Công ty VNU-CRES nằm trong các lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tham gia đấu thầu, thi công, dịch vụ quan trắc, phân tích môi trường, chuyển giao công nghệ, mua bán thiết bị môi trường và các sản phẩm liên quan đến xử lý công nghệ môi trường

TS. Trịnh Thành Trung - Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học trình bày đề án thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ sinh học, trực thuộc Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học. Mục tiêu mà doanh nghiệp này hướng đến là nghiên cứu phát triển và thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất, đăng ký lưu hành và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao (nguyên liệu sản xuất, chế phẩm sinh học và dịch vụ khoa học) có chất lượng và giá thành cạnh tranh với hàng ngoại nhập, từng bước tham gia xây dựng nền công nghiệp sinh học bền vững, đem lại hiệu quả cho đơn vị cũng như cho xã hội, đóng góp tích cực, nâng cao chất lượng đào tạo cho cán bộ khoa học trẻ về công nghiệp sinh học.

Chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định trường phải trở thành đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trong thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thúc đẩy đổi mới các hoạt động khoa học và công nghệ, hướng tới tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

“Để đạt được mục tiêu nêu trên, việc hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong nhà trường là hết sức cần thiết và cấp bách, phù hợp với xu thế và mô hình phát triển của các trường đại học lớn trên thế giới” - Phó Giám đốc Nguyễn Hiệu nhấn mạnh.

Đỗ Như

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuc-day-nhanh-viec-thanh-lap-cac-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-o-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi.htm