Thúc đẩy những 'toa tàu chậm'

Vẫn còn tới 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước, mà đơn vị thấp nhất chỉ giải ngân được dưới 1% so với tổng số vốn được Thủ tướng giao.

Ngày 7-6, tại phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) tiếp tục bày tỏ băn khoăn về một nghịch lý không mới: nhu cầu chi ở nhiều nơi, nhiều dự án rất lớn, nhưng không bố trí được kinh phí để thực hiện, phải đi vay và trả nợ lãi; ngược lại, ở nơi khác, dự án khác lại phải hủy bỏ dự toán ngân sách vì không chi được. Về lâu dài, các ĐB đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước.

Kiến nghị chỉnh lý, bổ sung pháp luật là kiến nghị đúng, bởi sau một thời gian thực hiện, thực tiễn luôn phát sinh các vấn đề mới cần được điều chỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì những nguyên nhân chủ quan đóng vai trò quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn. Vẫn có tình trạng việc lập dự toán chi ngân sách không sát với thực tế - không loại trừ tâm lý “ôm vốn để đấy cho chắc”, còn cơ quan có trách nhiệm phân bổ vốn thì thiếu kiên quyết, thậm chí vẫn nể nang.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, chuẩn bị dự toán đầu tư, lập kế hoạch vốn, giao vốn mỗi khâu chậm một chút là dẫn đến tình trạng trì trệ cả dự án tính bằng năm. Đó là chưa kể tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa quyết tâm để thực hiện có hiệu quả…

Có lẽ không hoàn toàn là trùng hợp ngẫu nhiên, khi đúng 1 ngày trước khi cơ quan lập pháp thảo luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã ký Công điện số 03/CĐ-BKHĐT về việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2024. Theo công điện, tính đến hết tháng 5-2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với mục tiêu giải ngân 95% của cả năm thì khoảng cách còn rất xa.

Vẫn còn tới 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước, mà đơn vị thấp nhất chỉ giải ngân được dưới 1% so với tổng số vốn được Thủ tướng giao. Bên cạnh những trường hợp này, cùng khung khổ pháp lý ấy, vẫn có các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, nhờ đó mới “kéo” được không ít “toa tàu chậm” kể trên.

Chính vì thế, không phải không có lý khi một lần nữa, Bộ KH-ĐT lại nêu ra đề nghị Chính phủ “tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, kiên quyết thực hiện việc điều chuyển cán bộ đối với những cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công”.

BẢO VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuc-day-nhung-toa-tau-cham-post743632.html