Thức dậy ở làng chài

3 giờ sáng, tiếng máy nổ kéo những chiếc thuyền cùng ngư dân ra khơi đánh bắt cá khiến chúng tôi tỉnh giấc, cứ thế bị cuốn theo ánh đèn trên những con thuyền đang dần xa bờ và cảm nhận nhịp sống buổi sớm tinh mơ của người dân làng chài ven biển xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Những ngư dân kéo lưới về bờ khi đoàn thuyền đánh cá ra khơi trở về.

Những ngư dân kéo lưới về bờ khi đoàn thuyền đánh cá ra khơi trở về.

Xứ Thanh vốn nổi tiếng với những bờ biển đẹp trải dài, cát trắng mịn nhưng nếu như vùng biển Sầm Sơn, Hải Tiến năng động, nhộn nhịp thì vùng biển tại Quảng Xương lại hoang sơ, bình yên, có những nét đặc trưng, hấp dẫn riêng. Được biết, huyện Quảng Xương có 7 xã ven biển gồm: Quảng Nham, Quảng Thạch, Quảng Thái, Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Lộc và Tiên Trang, nơi nào cũng có cảnh quan đẹp và đa dạng, vừa có nét phóng khoáng, “bụi bặm” nhưng vẫn không kém phần duyên dáng, nên thơ khiến nhiều du khách thích thú tìm đến.

Nơi chúng tôi dừng chân là Eo gió biển Hải Lưu, nằm ở phía Nam Sầm Sơn, ngăn cách với Sầm Sơn là dải núi Trường Lệ nhưng nơi đây khác hẳn so với những ồn áo, náo nhiệt, đông đúc của thành phố du lịch. Đó là một bãi biển mang vẻ đẹp nguyên sơ, bình yên đến lạ thường. Hàng phi lao xanh mát, những vạt dây muống biển mọc lan trên mặt cát nở hoa tím biếc, mỏng manh trải dài ven bờ biển khiến người ta không thể không dừng chân và ngắm nhìn.

Biển khi về đêm với ánh trăng sáng và những ánh đèn từ thuyền đi câu mực của ngư dân.

Biển khi về đêm với ánh trăng sáng và những ánh đèn từ thuyền đi câu mực của ngư dân.

Được trải nghiệm đêm trên bãi biển vào đúng ngày trăng rằm là điều khiến du khách khi đến đây ai nấy đều cảm thấy thú vị. Ánh trăng tròn, cao, sáng rọi xuống mặt biển lấp lánh, xa xa là những chiếc thuyền đang câu mực đêm tạo nên một bức tranh nên thơ mà khó có thể diễn tả thành lời.

Loáng thoáng tiếng người dân đang tất bật chuẩn bị đồ đi câu mực đêm bảo nhau: “Trăng lên qua đỉnh núi thế này là yên tâm đêm nay không mưa bão rồi”. Thì ra những ngư dân sống nhờ biển như họ ngoài xem dự báo thời tiết thì dấu hiệu của thiên nhiên, đất trời vẫn là cách để nắm bắt thời tiết một cách dân dã và dễ dàng nhất.

Đánh thức một ngày mới trên vùng biển này không phải tiếng gà gáy như tôi vẫn thường thấy ở quê mình mà là tiếng máy kéo đưa những thuyền bè ra khơi đánh bắt cá. Hình ảnh những chiếc thuyền rẽ sóng ra biển chính là nét chấm phá đặc sắc, sinh động của bức tranh biển cả.

Chúng tôi bắt đầu bước chân ra biển đón bình minh lúc 5 giờ sáng, khi đó cũng là lúc những chiếc thuyền câu mực bắt đầu cập bến sau một đêm thức trắng của các “cần thủ” làng chài. Những người vợ đã đợi sẵn ở bến chờ chồng về là lấy mực đem đi bán cho kịp buổi chợ sáng hoặc nếu không có thể bán ngay cho những lái buôn đã trực chờ sẵn tại đây.

Một người đàn ông tuổi trung niên xách chiếc xô vội vã rời khỏi bến đi về khiến chúng tôi chưa kịp hỏi tên, chỉ thoáng được đôi câu: “Chú có còn mực không – Thời tiết không ủng hộ, chẳng được mấy, vừa bán hết cho người ta rồi”. Những ngư dân ở đây chia sẻ thời điểm này đang là mùa câu mực lý tưởng nhất nhưng dẫu sao cũng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết nên có hôm thì “trúng lớn”, hôm lại chẳng được là bao.

Ở đây, các bến thuyền nhỏ nằm rải rác dọc theo bờ biển, chúng được hình thành tự nhiên theo thời gian như một sự chọn lựa khéo léo của ngư dân trong việc tìm kiếm nơi cập bến an toàn. Như đã quá quen với giờ thuyền đánh cá ra khơi trở về, cứ khoảng 10 giờ trưa tại bến đã tấp nập người dân, đếm nhanh cũng phải có tới vài chục người. Họ là những người phụ nữ, đàn ông với làm da ngăm vì nắng mưa, sương gió miền biển được thuê đứng chờ thuyền về để ra kéo lưới và cả những dân buôn chờ để thu mua đem đi các chợ.

Cá được phân loại, thu mua ngay tại bờ biển.

Cá được phân loại, thu mua ngay tại bờ biển.

Các hoạt động đánh bắt hải sản của người dân ở đây chủ yếu là quy mô nhỏ, khai thác gần bờ nhưng họ vẫn lặng lẽ bám nghề suốt bao đời nay như một cách để duy trì và kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Những mẻ cá được thu về, sẽ phân loại và cân bán ngay tại bờ biển cho các mối buôn mang đi các chợ hải sản và các tỉnh lân cận. Tuy vậy, nhưng khi khách du lịch chỉ có nhu cầu mua với số lượng ít cũng đều được người dân nơi đây niềm nở cân bán. Khung cảnh nhộn nhịp, được tận tay lựa chọn hải sản tươi ngon là một trong những trải nghiệm thú vị với khách du lịch.

Chị Trần Thu Quyên – du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Ở đây, gia đình tôi được trải nghiệm một không gian biển thực sự yên bình, được khám phá đời sống sinh hoạt bình dị, gần gũi của người dân miền biển. Hy vọng, những làng chài ven biển nơi đây luôn giữ được nét đẹp nguyên sơ như hiện tại để du khách được trải nghiệm, khám phá cuộc sống của người dân bản địa”.

Sau khoảng thời gian đông vui, tấp nập khi đoàn thuyền đánh cả trở về, ai nấy đều nhanh chóng thu dọn đồ nghề, cẩn thận gấp gọn lưới đánh bắt, kiểm tra lại tàu bè, những con thuyền sẽ được ngư dân đẩy lên tập trung tại bến và trở về nhà nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo, lúc này nhịp sống tại bãi biển lại trở về trạng thái bình yên, chỉ còn nghe thấy tiếng sóng vỗ rì rào.

Yên tĩnh, không đông đúc, ồn ào là điều khiến gia đình chị Quyên thích thú khi đặt chân đến nơi đây.

Yên tĩnh, không đông đúc, ồn ào là điều khiến gia đình chị Quyên thích thú khi đặt chân đến nơi đây.

Lựa chọn “bỏ phố về biển” khai thác những tiềm năng sẵn có ở quê hương mình để phát triển du lịch, anh Gia Khánh – Chủ khu cắm trại Eo gió Hải Lưu trải lòng: Nơi đây vẫn giữ được nét hoang sơ, bình dị nhất của làng chài, chưa bị tác động bởi những yếu tố hiện đại, công nghiệp nên trở thành địa điểm lý tưởng cho những ai yêu thích sự giản đơn, mộc mạc. Tuy nhiên, điều khiến tôi còn trăn trở là ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường biển của người dân vẫn chưa cao, rác thải nhiều khiến bãi biển chưa thực sự được sạch đẹp. Chúng tôi vẫn có thói quen thực dậy từ 4 giờ sáng dọn sạch rác ven bờ biển để du khách mỗi khi đến đây đều có những trải nghiệm đáng nhớ nhất.

Rời Quảng Lưu, hình ảnh lao động chất phát của người dân làng chài mỗi sớm mai hòa quyện cùng biển cả bao la tạo nên một cuộc sống bình dị, mang hơi thở cuộc sống riêng khác của người dân miền biển xứ Thanh khiến mỗi du khách như chúng tôi đều cảm thấy lưu luyến và thêm yêu vùng đất này.

Vy An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thuc-day-o-lang-chai-216422.htm