Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến

Tỉnh Lai Châu đã có nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến. Đến nay, lĩnh vực này bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương cũng như từng bước xây dựng sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung. Đến nay, toàn tỉnh có trên 9.800ha chè, trên 6.300ha mắc-ca, gần 4.000ha chuối, 25.600ha rừng trồng sản xuất, 1.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trên 60ha cây sâm được trồng tập trung và một số diện tích trồng phân tán dưới tán rừng… Đây là nguồn nguyên liệu đa dạng, cơ sở để tỉnh thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nhằm tạo sản phẩm có chất lượng, giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên tinh thần sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành luôn quan tâm tạo điều kiện để các công ty, doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư trên địa bàn. Đặc biệt, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản. Hiện, toàn tỉnh có 40 nhà máy, hợp tác xã, cơ sở chế biến chè quy mô vừa và nhỏ. Các sản phẩm chủ yếu là chè xanh sao lăn, chè xanh duỗi, chè olong, matcha, kim tuyên, sencha… tập trung tại địa bàn các huyện: Tam Đường, Tân Uyên và thành phố Lai Châu. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm chè chủ yếu ở Afghanistan, Pakistan, Đài Loan; một số sản phẩm chế biến sâu được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu ủy thác sang thị trường Đức, Hà Lan.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1 nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) với công suất 5.000 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến mắc-ca đang đầu tư xây dựng với công suất 6.000 tấn quả tươi/nhà máy/năm; 1 nhà máy chế biến chuối với công suất 100 tấn chuối tươi nguyên liệu/năm; gần 80 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; 4 cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản và một số cơ sở chế biến quế quy mô nhỏ. Các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản đã quan tâm đầu tư máy móc trong khâu chế biến, sản xuất theo quy trình, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 340,3 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 204 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao; trong đó, có một số sản phẩm được chế biến từ vùng nguyên liệu sẵn có của tỉnh như: chè, mắc-ca, chuối, cá lăng…

Người lao động Hợp tác xã Liên Phương (tổ dân phố 3, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) kiểm tra chất lượng chè sao lăn.

Người lao động Hợp tác xã Liên Phương (tổ dân phố 3, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) kiểm tra chất lượng chè sao lăn.

Hoạt động trong lĩnh vực thu mua và sơ chế chè búp tươi thành chè sao lăn, xuất khẩu sang thị trường Afghanistan, Pakistan, những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Liên Phương (tổ dân phố 3, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) đầu tư hạ tầng, công nghệ và trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến chè. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đầu tư dây chuyền sản xuất hơn 4 tỷ đồng gồm: máy xào, 6 máy vò, 1 máy sấy công suất gần 8 tạ chè búp tươi/giờ và 16 bom đựng cùng máy sàng bóc tách sản phẩm. Trung bình một ngày, HTX sơ chế 10 tấn chè búp tươi. Từ đầu năm đến nay, đơn vị xuất 100 tấn chè sao lăn sang thị trường Afghanistan, Pakistan. Vùng nguyên liệu, HTX chủ yếu là thu mua của các hộ dân trong thị trấn Tân Uyên và vùng lân cận. Để duy trì hoạt động và đứng vững trên thị trường, nhất là thời điểm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chất lượng sản phẩm luôn được HTX ưu tiên. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với mức lương từ 10 - 11 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Liên Phương chia sẻ: “Trước đây, HTX chỉ là cơ sở sản xuất theo hộ gia đình, đến khi thành lập đã tạo thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, nhất là hợp đồng lâu dài với các đối tác, trong đó có đối tác nước ngoài. Do vậy, HTX không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như liên kết với các đại lý thu mua và các hộ dân trồng chè để khi thu hoạch bà con không lo đầu ra và bị thương lái ép giá”.
Để ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đi theo đúng hướng và phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo ra các sản phẩm đầu vào chất lượng, đáp ứng sản xuất, chế biến, ông Nguyễn Trọng Thức - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Sở đang tiếp tục phối với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các chính sách, danh mục dự án đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản để thu hút các nhà đầu tư. Triển khai các chương trình, kế hoạch về khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh nông sản ứng dụng máy móc hiện đại. Đồng thời, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, tham gia các hoạt động giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước, xuất khẩu và trên các sàn thương mại điện tử. Có chính sách, cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm tạo mặt bằng sản xuất trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản. Chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về thị trường, chính sách thuế quan, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh nông sản định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phát triển các vùng nguyên liệu để thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Từ đó, tạo sản phẩm có chất lượng, giá trị, mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh.

Ánh Hồng

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/th%C3%BAc-%C4%91%E1%BA%A9y-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-ch%E1%BA%BF-bi%E1%BA%BFn