Thúc đẩy phát triển dịch vụ Mobile Money tại khu vực miền Trung
Thời gian đến, Mobile Money tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt để phục vụ người dân ở địa bàn các tỉnh thành.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về Tiền di động (Mobile Money) ngày 11/11 vừa qua, sau hơn 8 tháng triển khai, số thuê bao di động đăng ký Mobile Money, số điểm kinh doanh và tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán đều có sự tăng trưởng. Số lượng người đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money tại nước ta đã đạt gần 2 triệu người, tăng 440% so với cuối năm 2021, trong đó số lượng người đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 1,3 triệu người, chiếm 68% tổng số người đăng ký và sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên tốc độ số thuê bao đăng ký sử dụng Mobile Money có xu hướng giảm qua các tháng, tháng 01/2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 64% nhưng đến tháng 7/2022 tốc độ này giảm còn 11%.
Mạng lưới giao dịch của các công ty viễn thông đã phủ rộng khắp cả nước. Số lượng điểm kinh doanh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo ngày càng được chú trọng tiếp cận, đạt đúng mục tiêu và đối tượng dịch vụ Mobile Money muốn hướng đến. Ngoài các dịch vụ chủ yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông, đã có thêm các dịch vụ khác như xổ số, tài chính…
Nói về sự tăng trưởng thuê bao Mobile Money, theo đại diện các nhà mạng, đây là kết quả tích cực, khi khách hàng chỉ cần có số thuê bao di động mà không cần phải là điện thoại thông minh hay tài khoản ngân hàng là có thể dùng được Mobile Money. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình chợ công nghệ số (còn gọi là chợ 4.0) trong cả nước giúp người dân có thể sử dụng Mobile Money để trả tiền từ bó rau cho đến món đắt tiền hơn. Đáng chú ý, trong đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, Mobile Money trở thành giải pháp thanh toán trực tuyến phí xét tuyển nhanh chóng, an toàn, tiện lợi đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng dịch vụ Mobile Money vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Tại các tỉnh thành miền Trung, các ngân hàng thường đặt điểm giao dịch ở những vùng trung tâm, tập trung dân cư, ở những nơi này sự thuận lợi của giao dịch qua tài khoản ngân hàng, qua ví điện tử (bắt buộc cũng kết nối với ngân hàng qua tài khoản). Cùng với đó, sự khác biệt về địa lý, mức độ hiểu biết tài chính dẫn đến sự khác biệt về khả năng tiếp cận dịch vụ. Đồng thời, thói quen, hành vi chi tiêu tiền mặt của người dân ở thị trường mục tiêu, cụ thể là thị trường nông thôn cũng là một vấn đề khó đối với doanh nghiệp triển khai dịch vụ Mobile Money.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyền - Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 3, so với ngân hàng, MobiFone có lợi thế khi có các điểm bán hàng rộng khắp với gần 7.000 điểm giao dịch phủ rộng miền Trung, giúp người sử dụng dịch vụ có thể tiếp cận đến các điểm giao dịch một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Trong thời gian qua, MobiFone đã tổ chức các chương trình hướng dẫn sử dụng dịch vụ Mobile Money cho hệ thống kênh phân phối nhằm mở rộng mạng lưới giới thiệu và tư vấn cho khách hàng. Ngoài ra việc phối hợp với các tổ cộng nghệ số tại các phường xã trên địa bàn cũng được chú trọng nhằm từng bước chuyển đổi số cho khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính số của MobiFone (đặc biệt trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam).
Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 3 cho biết, tại các tỉnh thành miền Trung, MobiFone đang thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang công ty công nghệ, cung cấp hạ tầng số, dịch vụ số và nội dung số. Trong đó, Mobile Money là một trong những dịch vụ trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp có giá trị nhỏ. Mục tiêu đến năm 2023, MobiFone sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển, mở rộng liên kết các cổng thanh toán, hợp tác với ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các dịch vụ tài chính khác.
Để dịch vụ Mobile Money phát triển hơn trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn các doanh nghiệp tập trung phát triển điểm kinh doanh và đơn vị chấp nhận thanh toán, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi dịch vụ.
Tại Hội thảo "Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam" ngày 11/5, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh Toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Công an theo dõi, bám sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money; đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ Mobile Money của doanh nghiệp thí điểm.
Bên cạnh đó, các các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cũng cần tiếp tục triển khai các hình thức, biện pháp tuyên truyền, thuyết phục các điểm kinh doanh kết hợp với khích lệ kinh tế giai đoạn đầu triển khai dịch vụ cho thấy những lợi ích phi tài chính như tăng lượng khách hàng đến điểm kinh doanh, có thêm nguồn thu từ phí hoa hồng khi có khách hàng quen thuộc, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các nội dung liên quan quy định về mục tiêu, phạm vi thực hiện thí điểm, nội dung thí điểm, tổ chức thực hiện, các hành vi bị cấm theo quy định.
X.H