'Thúc đẩy phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới'
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ NN&PTNT (ảnh bên) đã trao đổi với Nhân Dân hằng tháng về tiềm năng và những giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn (NNNT) trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ NN&PTNT (ảnh bên) đã trao đổi với Nhân Dân hằng tháng về tiềm năng và những giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn (NNNT) trong thời gian tới.
Có thể nói, mảng du lịch NNNT gần đây được quan tâm chú ý, hỗ trợ thúc đẩy. Trước đây khi đề cập về du lịch NNNT, chúng ta thường nói đến du lịch homestay theo hình thức tự phát của các địa phương. Trong giai đoạn gần đây (từ năm 2006 đến nay), một số địa phương bắt đầu có những cơ chế chính sách riêng thúc đẩy phát triển du lịch NNNT như Lâm Đồng, Quảng Nam, Lai Châu, Bến Tre và Đồng Tháp nhưng chưa có chính sách chuyên biệt nào ở tầm quản lý nhà nước. Có thể khẳng định du lịch NNNT chủ yếu phát triển tự phát ở các địa phương và chưa có định hướng rõ ở tầm trung ương.
Sau đó, trong phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), chúng tôi nhận thấy đã bắt đầu xuất hiện một số mô hình về du lịch NNNT gắn với xây dựng NTM. Bộ NN&PTNT cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã kiến nghị với Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (thời điểm đó là đồng chí Vương Đình Huệ) tổ chức một hội nghị rất lớn vào tháng 12-2018 về thúc đẩy phát triển du lịch NNNT gắn với xây dựng NTM. Lần đầu tiên chúng ta đề cập đến du lịch NNNT một cách chính thức ở tầm quốc gia.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền khám phá tại Chày Lập Farmstay (Quảng Bình).
Tại sao lại gắn liền du lịch NNNT với xây dựng nông thôn mới, thưa ông?
Bởi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM triển khai đã được gần 10 năm và nhờ sự vào cuộc chung sức của cả hệ thống chính trị, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ. Bên cạnh đó, chúng ta phát động nhiều phong trào trồng cây xanh, cây cảnh tạo ra cảnh quan đẹp. Các địa phương quan tâm nhiều đến bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa. Như vậy, cơ sở hạ tầng được đầu tư, điều kiện đi lại thuận tiện, cảnh quan môi trường tươi đẹp, các giá trị văn hóa được quan tâm đã tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy du lịch NNNT.
Bộ NN&PTNT và Bộ VHTT&DL đã triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch NNNT đến giữa năm 2020 trình lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đưa đề án này thành một nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Để triển khai, cuối tháng 11 vừa qua, Bộ NN&PTTN, Bộ VHTT&DL đã ký kết một chương trình phối hợp giữa hai bên về thúc đẩy phát triển du lịch NNNT. Như vậy chúng ta đã bắt đầu xây dựng những cái khung cơ chế, thể chế chính sách cho giai đoạn tới. Đấy là điểm nhấn đầu tiên.
Theo tổng hợp của Tổng cục Du lịch thì hiện nay có khoảng 300 điểm du lịch NNNT loại hình homestay, quy mô cộng đồng, tuy nhiên số liệu này cũng chưa đầy đủ và chính thống. Vừa rồi Bộ NN&PTNT đã chính thức có văn bản gửi tất cả 63 địa phương rà soát, đánh giá lại thực trạng du lịch NNNT, dự kiến trong tháng 1 này sẽ hoàn thiện tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã có văn bản giao cho Bộ NN&PTNT, Bộ VHTT&DL cùng phối hợp để thúc đẩy du lịch NNNT, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến du lịch quốc tế gần như đình trệ nên phải tập trung vào thị trường trong nước - nơi du lịch NNNT còn dư địa rất lớn.
Xin ông phân tích sâu hơn về tiềm năng của du lịch NNNT?
Bản chất của du lịch là khám phá cái mới, điều mà lượng khách du lịch chủ yếu ở đô thị có điều kiện muốn tìm kiếm và thường tìm thấy ở nông thôn. Cho nên, dư địa cho du lịch NNNT rất lớn và trước mắt tập trung phục vụ thị trường nội địa. Tôi xin nêu một thí dụ cụ thể minh chứng: Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, lượng khách nước ngoài giảm tới 90 - 95% khiến toàn bộ phần du lịch biển của chúng ta như Nha Trang, Đà Nẵng giảm sút hơn 80%. Thế nhưng, những địa phương làm tốt du lịch NNNT và gắn với văn hóa vẫn giữ được đà tăng trưởng như toàn bộ vùng Bá Thước -
Pù Luông (Thanh Hóa); vùng du lịch ở các huyện miền núi duy trì được 65 - 70% khách đến; Sơn La - Mộc Châu, Sa Pa, Đà Lạt và một số vùng khác cũng không hề giảm sút. Như vậy có thể thấy, khách du lịch đã bước đầu tập trung sự chú ý vào vùng du lịch NNNT.
Nhưng phải nhìn nhận, phát triển du lịch NNNT trong thời gian vừa qua mang tính manh mún, địa phương, chủ yếu dừng lại ở cấp hộ và cộng đồng nhỏ lẻ, chỉ đến gần đây bắt đầu mới thành một chủ trương lớn. Chúng tôi định hướng đưa du lịch NNNT trở thành một nội dung trọng tâm vì suy cho cùng, để phát triển kinh tế nông thôn không chỉ dừng ở sản xuất nông nghiệp mà phải phát triển công nghiệp - dịch vụ. Trong khi đó, chúng ta đã đầu tư về cơ sở hạ tầng, đã cải tạo cảnh quan, đã xây dựng các mô hình sản xuất và nhờ vậy đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch. Đặc biệt, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đạt kết quả tích cực, khi hàng nghìn làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản cấp quốc gia, cấp vùng miền tạo sức hút lớn với du khách.
Thưa ông, đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới đã đưa ra những giải pháp gì để tạo nên sự đột phá của du lịch NNNT?
Đề án xác định rất rõ chủ trương thúc đẩy dịch vụ du lịch thành một ngành công nghiệp - dịch vụ ở nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cũng như đời sống người dân nông thôn. Trong đề án nhấn mạnh, sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ cho du lịch cộng đồng, đặc biệt là cơ chế chính sách cho các hộ làm mô hình homestay. Thí dụ như kinh nghiệm của Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, người dân bảo tồn và gìn giữ các nhà cổ sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng.
Trong chương trình NTM, Nhà nước hỗ trợ nâng cấp đường giao thông, hệ thống nước sạch, môi trường, chỗ tập trung rác, xử lý chất thải rắn, nhà vệ sinh... Trên cơ sở đó, chúng tôi yêu cầu tất cả những xã, những thôn có tiềm năng về du lịch phải làm quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch cộng đồng, thí dụ như đâu là bãi đỗ xe, chỗ nào sẽ là khu nhà vệ sinh, chỗ nào sẽ là nhà văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống nào cần được bảo tồn để phát huy... Phải hình thành quy hoạch tổng thể như vậy để từ đó sẽ xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước là đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, như nâng cấp hệ thống giao thông khi có nhiều điểm đến rất đẹp nhưng đường sá chưa thuận tiện, như phải có hệ thống các dịch vụ hạ tầng thiết yếu như điện, nước sạch... Thực tế nhiều vùng có cảnh quan đẹp nhưng nước sạch và nhà vệ sinh không có khiến du khách chỉ có thể lưu lại vài tiếng. Về phía người dân phải chung tay cải tạo cảnh quan, phát triển cơ sở lưu trú.
Đề án cũng dự kiến đưa đào tạo lao động dịch vụ du lịch cộng đồng thành một nghề trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chúng tôi đang phối hợp cùng với Tổng cục Du lịch xây dựng bộ tài liệu cũng như tổ chức đào tạo tập huấn...
Chúng tôi cho rằng bản chất của du lịch NNNT không chỉ dừng ở vấn đề cảnh quan môi trường mà quan trọng nhất phải là những giá trị vô hình khác như bản sắc văn hóa của vùng đất đó. Xây dựng NTM phải tạo cốt, giữ hồn để du khách có thể tương tác với người dân và cộng đồng ở đó về văn hóa. Vì vậy, chúng tôi đang cùng Bộ VHTT&DL hỗ trợ giữ gìn bản sắc văn hóa các địa phương, thí dụ như hỗ trợ đồng bào người Thái, người Dao, người Mường từ trang phục, thiết bị văn hóa đến phục hồi các điệu múa cổ truyền... Sơn La làm tốt du lịch cộng đồng vì tỉnh có cơ chế hỗ trợ mỗi câu lạc bộ văn nghệ ở thôn hai triệu đồng, du khách có nhu cầu chỉ cần gọi điện, một lúc sau là có thể thưởng thức múa xòe. Ngoài ra còn thái độ, cách ứng xử và kỹ năng của người dân. Nếu chúng ta chuẩn hóa được những điều này thì tiềm năng du lịch NNNT rất tốt. Chúng tôi coi đây là giải pháp phát triển sinh kế cho vùng miền núi vì đặc thù ở đây không thể san phẳng đồi núi để tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và cũng không thể đưa công nghiệp về đó. Vậy thì tại sao chúng ta không phát huy những giá trị mà họ đang có như văn hóa, truyền thống, cảnh quan? Phải nâng cấp những giá trị đó lên, đáp ứng nhu cầu của du khách. Mộc Châu - Sơn La đã nổi tiếng về du lịch ngắm hoa mận, hoa mơ, Yên Bái có du lịch về nhảy dù, ruộng bậc thang. Chúng tôi đang thúc đẩy các mô hình như chợ trên sông, du lịch miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long, du lịch gắn với đầm sen ở Đồng Tháp.
Một yêu cầu quan trọng là làm sao hình thành được những điểm du lịch trên cơ sở chất lượng dịch vụ và tạo ra được sản phẩm khác biệt, bởi nếu tất cả cứ na ná như nhau thì du khách sẽ thấy nhàm chán. Đó chính là những yếu tố cần chuẩn hóa, cần đưa các giá trị vô hình từ văn hóa đến truyền thống, từ thói quen ứng xử của người dân thành một chuẩn mực để đáp ứng nhu cầu du lịch.
Xin trân trọng cảm ơn ông!