Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội ở Thái Nguyên
Hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 100 nghìn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó có khoảng 60% công nhân là người ngoài tỉnh, nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn. Tuy nhiên, dự án nhà ở xã hội lại khan hiếm, công nhân phải sống trong các căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp, thiếu các điều kiện về an toàn.

Toàn bộ 395 căn nhà ở xã hội Khu dân cư Đại Thắng ở thành phố Phổ Yên sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025.
Khu dân cư Đại Thắng ở phường Đồng Tiến, thành phố Phổ Yên gồm hai phần: phần dự án nhà ở thương mại được xây dựng trên diện tích 80% quỹ đất; phần dự án nhà ở xã hội được xây dựng trên diện tích 20% quỹ đất do Công ty cổ phần TNG Land (trực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG) đầu tư.
Dự án nhà ở xã hội Khu dân cư Đại Thắng được xây dựng trên diện tích 20% quỹ đất theo quy định với mặt bằng 8.500m2, trong đó xây dựng 34 căn liền kề hai tầng và 361 căn trong tòa nhà cao 18 tầng, diện tích mỗi căn rộng từ 30m2 trở lên, giá bán 14 triệu đồng/m2.
Chỉ sau thời gian ngắn, toàn bộ 395 căn hộ nhà ở xã hội Khu dân cư Đại Thắng đã được đăng ký mua hết, các hộ mua căn hộ liền kề hai tầng đã được giao nhà để ở, đến tháng 9/2025 toàn bộ các căn hộ tại tòa nhà cao 18 tầng sẽ được giao cho người mua. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội ở khu vực phía nam tỉnh Thái Nguyên, nơi tập trung các khu công nghiệp là rất lớn.
Tuy nhiên, đây là dự án nhà ở xã hội hiếm hoi được triển khai đúng tiến độ, chất lượng ở khu vực tập trung đông công nhân này. Không có nhà ở xã hội, hàng chục nghìn công nhân đang phải sinh sống trong những căn nhà trọ khu vực các khu công nghiệp do người dân địa phương xây dựng. Đó là những căn nhà cấp 4, mái lợp tôn, chỉ rộng hơn 10m2, khu vệ sinh chung hoặc khép kín, chật chội, nóng bức, thiếu các điều kiện về an toàn.
Thời gian tới, công nhân sẽ tiếp tục đến Thái Nguyên làm việc với số lượng lớn, vì hàng loạt cụm, khu công nghiệp đang và sẽ được đầu tư trong thời gian ngắn, nhu cầu về nhà ở xã hội sẽ càng lớn hơn. Việc phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu nhà ở cho công nhân, người lao động sẽ góp phần làm cho môi trường đầu tư của tỉnh thêm hấp dẫn.
Theo quy định, các khu dân cư, đô thị đều dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, do không có chế tài nên hầu hết các chủ đầu tư khu dân cư, khu đô thị đều không xây dựng nhà ở xã hội và trả quỹ đất này cho chính quyền địa phương quản lý, thu hút đầu tư nhà ở xã hội riêng lẻ.
Công ty cổ phần Kosy đang đầu tư một số khu dân cư, đô thị ở thành phố Thái Nguyên và Sông Công, trong đó khu dân cư số 11 ở phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên rộng gần 20ha, quỹ đất dành xây dựng nhà ở xã hội là 1,7ha. Đại diện công ty cho biết, khi giải phóng xong mặt bằng, xây dựng hạ tầng sẽ chuyển giao quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho chính quyền địa phương quản lý, thu hút đầu tư.
Trên thực tế, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội gần như không thu hút được nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TNG Land, chủ đầu tư Khu dân cư Đại Thắng, trong đó có dự án nhà ở xã hội Khu dân cư Đại Thắng, cho biết: Xây dựng nhà ở xã hội chúng tôi bị lỗ, phải lấy một phần lãi từ dự án nhà ở thương mại ở bên cạnh bù vào. Do vậy, mặc dù được mời gọi thực hiện nhiều dự án nhà ở xã hội riêng lẻ, nhưng chúng tôi không đầu tư.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không phải nộp tiền sử dụng đất, vay tín dụng ưu đãi, lãi tối đa là 10%, nhưng trên thực tế là lãi không đáng kể, hoặc bị lỗ. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ quan quản lý tính định mức chi phí vật tư, vật liệu, nhân công, các chi phí đầu vào khác thấp hơn thị trường; khó tiếp cận tín dụng ưu đãi; định mức chi phí bán hàng, quản lý dự án là 2%, nhưng trên thực tế cao hơn nhiều vì phải “cõng” cả chi phí không chính thức nên nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư nhà ở xã hội.
Để phát triển nhà ở xã hội là vấn đề nhân văn, công bằng, hài hòa và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư thì địa phương cần đầu tư hoàn thiện hạ tầng ngoài hàng rào dự án, giảm tối đa thủ tục hành chính, thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho cả nhà đầu tư, người mua nhà. 20% quỹ đất nhà ở xã hội tại khu dân cư, khu đô thị ở miền núi, những nơi không có nhu cầu về nhà ở xã hội thì nhà đầu tư có thể nộp tiền để thêm nguồn lực đầu tư nhà ở xã hội ở những nơi có nhu cầu.
Qua đó, tránh tình trạng trả 20% quỹ đất nhà ở xã hội trong các khu dân cư, khu đô thị cho chính quyền địa phương quản lý mà không thu hút được nhà đầu tư dẫn đến bỏ hoang, lãng phí, trong khi nhu cầu nhà ở xã hội đang khá lớn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-phat-trien-nha-o-xa-hoi-o-thai-nguyen-post882194.html