Thúc đẩy phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam
Trái phiếu xanh ngày càng được triển khai rộng rãi trên khắp thế giới và được xem là công cụ tài chính quan trọng, giúp huy động vốn cho các dự án đem lại lợi ích về môi trường. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam còn non trẻ, cần tiếp tục hoàn thiện pháp lý cũng như tạo điều kiện chính sách trong việc phát hành trái phiếu xanh và nâng cao nhận thức để thúc đẩy phát triển thị trường.
Thống kê của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, giai đoạn 2016-2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đã đạt gần 33,5 nghìn tỷ đồng (hơn 1.4 tỷ USD). Trong đó, riêng năm 2024 ghi nhận sự sôi động trở lại với tổng giá trị phát hành gần 6,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới từ đầu năm.
Tuy quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững của Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Philippines với tỷ lệ ước tính lần lượt vào khoảng 5%, 10% và 20%, nhưng tốc độ tăng trưởng ấn tượng 171% trong năm 2024 cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này.

(Nguồn: FiinPro Platform)
Sau giai đoạn trầm lắng, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam bất ngờ ghi nhận sôi động trở lại với các đợt phát hành đến từ cả nhóm tài chính và phi tài chính trong năm 2024, đặc biệt là kể từ quý 4/2024. Đáng chú ý, sự chuyển dịch về cơ cấu phát hành, từ tập trung vào khối tài chính ngân hàng sang sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như năng lượng tái tạo, thủy sản bền vững và cơ sở hạ tầng. Điều này phản ánh xu hướng "xanh hóa" đang lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Đầu năm 2025, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) thông báo phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh, dựa trên việc tuân thủ tự nguyện nguyên tắc phát hành của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) và Hiệp hội Thị trường tín dụng (LMA). Ngân hàng này cho biết, nguồn vốn huy động từ trái phiếu xanh sẽ được cho vay các dự án đáp ứng được các tiêu chuẩn trong "Khung tài chính bền vững" của HDBank, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Không chỉ riêng HDBank, tháng 11/2024, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thông báo phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh; BIDV phát hành thành công 3.000 tỷ đồng để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường.
Ở nhóm phi tài chính, tháng 11/2024 đánh dấu bước phát triển đáng kể của thị trường trái phiếu xanh Việt Nam khi hai doanh nghiệp lớn lần lượt công bố phát hành thành công. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I đã huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để tài trợ cho chuỗi dự án nuôi trồng và sản xuất cá tra bền vững, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường. Cùng thời điểm, Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình-Xuân Mai cũng ghi nhận thành công khi thu về 875 tỷ đồng từ đợt phát hành trái phiếu xanh kỳ hạn 20 năm - mức kỳ hạn dài nhất từ trước đến nay trong khối doanh nghiệp phi tài chính, phục vụ đầu tư hạ tầng nước sạch dài hạn.

Những con số trên cho thấy, phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam đã bước đầu đạt được những thành công về cả giá trị phát hành, chủ thể phát hành và kỳ hạn phát hành. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, vẫn còn một số hạn chế, thách thức cần giải quyết cho thị trường trái phiếu xanh Việt Nam.
Mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong hỗ trợ tăng trưởng xanh thông qua các luật như Luật BVMT, Luật Đất đai và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, song việc triển khai các chính sách này xuống địa phương vẫn còn chậm trễ. Thiếu vắng các cơ chế khuyến khích cụ thể khiến doanh nghiệp chưa mặn mà với đầu tư xanh. Thêm vào đó, thị trường trái phiếu xanh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do tồn tại nhiều rào cản đa tầng. Ở cấp vĩ mô là khung pháp lý chưa hoàn thiện và thiếu chính sách ưu đãi tài chính; ở cấp ngân hàng là rủi ro cao và chi phí vốn lớn; còn ở cấp doanh nghiệp là khả năng thu hút đầu tư hạn chế. Các tổ chức tín dụng gặp không ít khó khăn trong đánh giá dự án tài chính xanh, chủ yếu do thiếu đội ngũ chuyên môn am hiểu lĩnh vực này.
Ông Cấn Văn Lực Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, để thúc đẩy tốc độ chảy của dòng vốn xanh, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, để tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận tín dụng, góp phần giúp các doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược trong việc xanh hóa hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh và tăng cường trách nhiệm xã hội. Điều này vừa tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp, vừa hướng tới mục tiêu chung của xã hội là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Theo đó, Việt Nam cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; ban hành và áp dụng tiêu chí, tiêu chuẩn môi trường đối với ngành, nghề, lĩnh vực cụ thể, xác định lĩnh vực ưu tiên; có cơ chế, phương thức đánh giá tác động môi trường; có sự hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất... ) cho các sản phẩm, dịch vụ, tiêu dùng xanh; đồng thời có chính sách thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư xanh…
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thuc-day-phat-trien-trai-phieu-xanh-tai-viet-nam-163464.html