Thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia

Nền tảng số Việt Nam được xem là lời giải cho chuyển đổi số Việt Nam. Và 38 nền tảng số quốc gia được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố chính là 'hạ tầng mềm' của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng trên cơ sở phân loại, thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực.

Chính vì lẽ đó, nền tảng số Việt Nam gánh trên mình sứ mệnh quan trọng và là lời giải cho tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam khi chuyển đổi số đã được xác định là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc sử dụng các nền tảng số quốc gia sẽ góp phần đảm bảo an toàn thông tin mạng trong chuyển đổi số. Ảnh minh họa

Việc sử dụng các nền tảng số quốc gia sẽ góp phần đảm bảo an toàn thông tin mạng trong chuyển đổi số. Ảnh minh họa

Với mục tiêu hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, vào đầu năm 2022, Bộ TT&TT đã phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây được xem là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Với các nền tảng số, Việt Nam có thể giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu bởi càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, hiệu quả càng cao và giá trị tạo ra càng lớn. Cùng với đó, nền tảng số quốc gia cũng được xác định là yếu tố then chốt bảo đảm an toàn thông tin mạng và bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Phát triển nền tảng số quốc gia để tối đa hóa lợi ích do công nghệ mang lại đồng thời ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro mà công nghệ có thể gây ra cho xã hội và người dân.

Và sau 2 lần Bộ TT&TT công bố, danh mục nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số gồm 38 nền tảng, với 21 nền tảng do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội; và 17 nền tảng do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội.

Trong số này có thể kể đến một số nền tảng đã và đang trở nên quen thuộc và phổ biến như nền tảng dạy học trực tuyến, nền tảng bản đồ số, nền tảng hóa đơn điện tử, nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nền tảng tư vấn hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, nền tảng quản lý tiêm chủng, nền tảng bảo hiểm xã hội, nền tảng đại học số, nền tảng trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng, nền tảng cửa khẩu số, nền tảng thuế điện tử…

Là một trong số 38 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, mục tiêu tổng quát của nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng và vận hành là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân để phục vụ 5 nhóm tiện ích tập trung vào giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện hệ sinh thái chính phủ số; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và phục vụ công dân số.

Trong các nhóm tiện ích đó, Bộ Công an đặt trọng tâm mục tiêu hướng tới phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính một cách thuận lợi nhất và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư…

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các nền tảng số quốc gia trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số song nhiều ý kiến cũng thừa nhận một trong những khó khăn hiện nay để triển khai các nền tảng số dùng chung toàn quốc là vấn đề kinh phí.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, chủ trương chuyển đổi số quốc gia là triển khai các nền tảng dùng chung. Từ góc độ thể chế chính sách, ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách trung ương nên dành một tỷ lệ tối thiểu để triển khai các nền tảng dùng chung quốc gia, do vậy, khi triển khai các nền tảng số quốc gia để dùng chung toàn quốc, sẽ cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ TT&TT sẽ chủ động thể chế hóa những chính sách này vào các văn bản tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới nhằm giải quyết vấn đề này. Ngân sách địa phương do địa phương quyết định, do đó địa phương cũng hoàn toàn có thể dành ra 20% tổng ngân sách chi cho công nghệ thông tin để dành cho việc triển khai các nền tảng dùng chung của quốc gia.

Hùng Quân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/thuc-day-phat-trien-va-su-dung-cac-nen-tang-so-quoc-gia-i734902/