Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Ngày 18/9, Tọa đàm khoa học với chủ đề 'Quan hệ, triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ứng với mỗi thời kỳ phát triển của Việt Nam' đã được tổ chức tại Hà Nội.
Ngày 18/9 tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Chương trình Tọa đàm khoa học với chủ đề "Quan hệ, triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ứng với mỗi thời kỳ phát triển của Việt Nam".
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, Giáo sư Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự của Đại học Waseda và Giáo sư Ryo Ikebe - Giáo sư Đại học Senshu (Nhật Bản). Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Khai mạc tọa đàm, PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò của Nhật Bản trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Điều này đã giúp Việt Nam duy trì trạng thái tăng trưởng ổn định với hiệu ứng lan tỏa từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nhiều công trình, dự án với sự trợ lực về tài chính, về chuyên gia hay chuyển đổi công nghệ từ Nhật Bản đã giúp Việt Nam thay đổi, từ các mô hình thâm dụng vốn, thâm dụng lao động để chuyển đổi thành quốc gia có cơ cấu xuất khẩu ngày càng tăng cao.
Cũng tại tọa đàm, ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức tọa đàm. Đây cũng là 1 hoạt động trong chuỗi chương trình JICA CHAIRS mà JICA tích cực triển khai từ năm 2020 đến nay nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm những thành tựu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại Nhật Bản.
Với việc tổ chức tọa đàm này, ông Sugano hy vọng, các chuyên gia sẽ tích cực trao đổi về những cách thức hợp tác hiệu quả trong mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Đánh giá về quan hệ kinh tế Việt - Nhật, Giáo sư Trần Văn Thọ cho hay, Nhật Bản quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam, hợp tác cả trong cải cách thể chế, cải thiện môi trưởng đầu tư và giúp Việt Nam lập các chiến lược công nghiệp hóa như dự án Ishikawa (1995-2000), sáng kiến Việt Nhật từ 2003-nay cùng nhiều dự án nghiên cứu chính sách công nghiệp.../.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuc-day-quan-he-hop-tac-kinh-te-viet-nam-nhat-ban/306815.html