Thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam

Quốc tế hóa giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo ra những công dân toàn cầu, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục.

Những xu hướng chính của quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam bao gồm sử dụng tiếng Anh hay ngoại ngữ khác làm ngôn ngữ giảng dạy; trao đổi sinh viên và giảng viên, hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài;

Đại diện hai bên chụp ảnh lưu niệm.

Đại diện hai bên chụp ảnh lưu niệm.

Hợp tác quốc tế về xây dựng chương trình đào tạo; phát triển các chương trình liên kết quốc tế; thành lập các đại học quốc tế tại Việt Nam.

Quốc tế hóa giáo dục đại học đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, trải nghiệm học tập toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới để từ đó mang lại cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.

Đây cũng là những nội dung được thảo luận tại buổi đối thoại chính sách ba bên giữa trường Đại học - Chính phủ - Doanh nghiệp được tổ chức tại Trường Đại học Phenikaa vừa qua.

Buổi đối thoại nằm trong khuôn khổ chương trình “Going Global Partnership - Hợp tác Đối tác Toàn cầu” của Hội đồng Anh, do Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) và Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM hợp tác với ĐH East Anglia (UEA, Vương Quốc Anh) trong Dự án “Nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số”.

Chia sẻ tại buổi đối thoại, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Do đó, hệ thống giáo dục đại học nước ta đang nỗ lực để bắt kịp sự phát triển trong nước và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như thu nhập trung bình - thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; đặc biệt, tỷ lệ lao động lành nghề còn thấp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Vì vậy, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung và Trường Đại học Phenikaa nói riêng cần thay đổi theo hướng quốc tế hóa nhằm cải thiện chất lượng dạy và học, nghiên cứu; không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn khuyến khích các hoạt động quốc tế hóa toàn diện.

Phó Hiệu trưởng của trường Đại học Phenikaa cũng cho biết thêm, cơ sở mong muốn đồng hành cùng các đối tác chính của Dự án cũng như các doanh nghiệp, các trường đại học, các cơ sở giáo dục, đào tạo khác tại Việt Nam và quốc tế để chuyển giao tri thức.

Bên cạnh đó, nhằm cung cấp các chương trình đào tạo hiện đại tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm giúp sinh viên phát triển toàn diện, đáp ứng khả năng thích ứng với các công việc tại các công ty, tập đoàn trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng và các lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung.

Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cũng nhấn mạnh, trong giáo dục - đào tạo nhân lực chuyển đổi số, một đòi hỏi hàng đầu là chính các đơn vị giáo dục - đào tạo mà cụ thể là chính các thầy cô phải thực hiện chuyển đổi số ở chính mình.

Bắt đầu từ tư duy và tiếp đó là cách thực thi, áp dụng các triết lý giáo dục khai phóng để tạo ra những con người có khả năng tự học, tự thay đổi, tự hành động hướng tới tự hoàn thiện trong bối cảnh luôn luôn biến động của cuộc sống và dưới tác động công nghệ.

Đồng quan điểm về vấn đề này, đại diện Hội đồng Anh, bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc Chương trình Giáo dục và Xã hội đã chia sẻ, Dự án trong khuôn khổ hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Chương trình hợp tác giữa Vương quốc Anh - Việt Nam hướng tới nâng cao chất lượng và thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học tại hai quốc gia.

Ba lĩnh vực tác động của chương trình gồm lãnh đạo và quản trị trường đại học trong bối cảnh tự chủ đại học với ưu tiên vì một xã hội hòa nhập và cân bằng giới, thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong lãnh đạo đại học;

Đối chuẩn bằng cấp chương trình giáo dục đại học và bảo đảm chất lượng; Xây dựng khung đánh giá giảng dạy và nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức.

Còn theo GS. Gerard Parr, Trưởng khoa Khoa học Máy tính tại Đại học East Anglia, đồng thời là Trưởng ban cố vấn Dự án cho biết, Đại học East Anglia đã đi đầu trong lĩnh vực giáo dục về công nghệ mới, thành công trong việc phát triển các khóa học phù hợp để đáp ứng yêu cầu về đào tạo liên tục của sinh viên và chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho sinh viên trước khi tốt nghiệp về các yêu cầu liên quan đến ngành nghề của mình.

Những kiến thức và kỹ năng này sẽ tạo thành một khung chương trình mẫu mà từ đó các cơ sở giáo dục Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng để nâng cao khả năng quốc tế hóa của mình, tạo ra một nền giáo dục chất lượng cao, với sản phẩm đầu ra là các em sinh viên sau khi tốt nghiệp có đầy đủ phẩm chất và năng lực để cạnh tranh quốc tế.

Chương trình Going Global Partnerships - Hợp tác Đối tác Toàn cầu của Hội đồng Anh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam, thúc đẩy chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam và Vương quốc Anh

Chương trình gồm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và tạo kết nối cho GDĐH hai quốc gia; hỗ trợ phát triển chính sách;

Thúc đẩy và tạo ra các chương trình hợp tác đối tác giáo dục đại học và mạng lưới đa dạng, bền vững, hòa nhập giữa Vương quốc Anh, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Á trong dạy học, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức; Hỗ trợ nâng cao hiệu suất của giáo dục đại học Việt Nam; thúc đẩy dịch chuyển và trao đổi sinh viên, giảng viên.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuc-day-quoc-te-hoa-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam-d184795.html