Thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật, tạo môi trường hòa nhập và bình đẳng
Theo bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế hiện nay, nhiều trẻ khuyết tật đang gặp phải khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và thường xuyên bị kỳ thị.

Bà Lương Thị Thuận - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM - phát biểu khai mạc hội nghị. (Nguồn: Báo Phụ nữ)
Ngày 25/2, Hội Bảo trợ Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Hội Hữu nghị Đan Mạch - Việt Nam, Tổ chức Danish Vietnamese Asscociatinon (DVA) triển khai “Dự án thí điểm thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.”
Dự án vừa được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt và triển khai thí điểm tại Quận 8 và Bình Thạnh trong 12 tháng với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng.
Trọng tâm của dự án là hỗ trợ học bổng, hỗ trợ khẩn cấp về chăm sóc sức khỏe, trao tặng thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; hỗ trợ pháp lý, trang thiết bị chuyên dụng cho trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó là các hoạt động sinh hoạt, vui chơi, giải trí, diễn đàn của trẻ khuyết tật; tập huấn, hội thảo nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật, quyền trẻ em…
Theo bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế hiện nay, nhiều trẻ khuyết tật đang gặp phải khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và thường xuyên bị kỳ thị.
Dự án không chỉ hướng đến cải thiện đời sống cho trẻ khuyết tật mà còn xóa bỏ định kiến, tạo ra một môi trường hòa nhập và bình đẳng hơn. Mặc dù mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm, nhưng đây như một ngọn lửa nhỏ, mang hy vọng lan tỏa, tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng.
Mục tiêu của dự án là góp phần thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật Thành phố thông qua các biện pháp can thiệp để xác định những thách thức liên quan và đánh giá kết quả trước khi xem xét tính khả thi, tính phù hợp của một biện pháp can thiệp lớn hơn.
Thông qua đó nâng cao nhận thức của tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo Luật Trẻ em 2016, chương trình hành động vì trẻ em Thành phố và thúc đẩy hệ thống bảo vệ trẻ em ngày càng hoàn thiện.
Đại diện Hội Hữu nghị Đan Mạch-Việt Nam, Tổ chức Danish Vietnamese Asscociatinon cũng xác định nhóm đích chính là trẻ em khuyết tật và Hội Bảo trợ trẻ em sẽ làm việc trực tiếp để giúp các em thay đổi cuộc sống.
Tuy dự án chỉ kéo dài 12 tháng, song tác động lâu dài của sự án sẽ đóng vai trò thí điểm cho các thành viên mạng lưới bảo vệ trẻ em, chính quyền và các bên liên quan khác về cách làm với trẻ em thiệt thòi này.
Đặc biệt, thông qua dự án, các bên liên quan sẽ hiểu rõ hơn về điều kiện của trẻ em khuyết tật để từ đó có biện pháp can thiệp, ngăn ngừa kỳ thị và phân biệt đối xử tốt hơn. Qua đó, góp phần thúc đẩy thực hiện luật pháp Việt Nam có liên quan ở cấp địa phương và trao quyền cho trẻ em khuyết tật trở thành những nhân tố chủ chốt.
Trước đó, Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ký kết với Quận 8 và Bình Thạnh về thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án thí điểm thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật.
Các bên sẽ tiến hành tập huấn, truyền thông về phòng ngừa phân biệt đối xử; hội nhập và dạy nghề; phát triển và ghi chép một quy trình có thể giúp trẻ em khuyết tật tiếp cận các quyền của mình; xây dựng clip truyền thông về phòng chống phân biệt đối xử; dịch vụ chiến lược; khảo sát đánh giá nhu cầu của trẻ em khuyết tật và gia đình của các em.
Dự án cũng hỗ trợ trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ giáo dục cho các trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nguy cơ bỏ học cao; hỗ trợ khẩn cấp về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, bảo hiểm, thiết bị chuyên dụng như: xe lăn, xe ba bánh, tai nghe, gậy chống…/.