Thúc đẩy sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn, vì sức khỏe cộng đồng
Những năm gần đây, khi vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp thiết, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, thì vấn đề nông nghiệp sạch và sản xuất kinh doanh (SXKD) nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn luôn được người dân và các cấp các ngành quan tâm. Từ việc vận dụng các cơ chế, chính sách của tỉnh về lĩnh vực này, Vĩnh Phúc đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị, thúc đẩy phát triển sản xuất và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Nắm bắt được xu hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp hiện đại, mà điểm nhấn là SXKD nông sản thực phẩm sạch, an toàn, nhiều nông dân đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm; chủ động tìm tòi, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, tìm ra những mô hình hay, hiệu quả để tăng thu nhập, làm giàu và tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp bền vững.
Thực hiện hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), giai đoạn 2016-2020, 150 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả tích cực cho sản xuất nông nghiệp, tạo ra nông sản an toàn, chất lượng ổn định nhờ kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình sản xuất, tiêu thụ.
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết luôn vượt mục tiêu đề ra. Nhiều mô hình: “Nhóm liên kết các hộ gia đình sản xuất ATTP” của Hội Nông dân tỉnh; chợ thí điểm bảo đảm ATTP tại chợ Vĩnh Yên của Sở Công thương; kiểm soát ATTP nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; hay 28 mô hình điểm về bếp ăn tập thể tại các trường học, mô hình nhà hàng ăn uống của Sở Y tế…, đã góp phần đảm bảo ATVSTP, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên bàn tỉnh...
Bằng những việc làm thực tế, mô hình hay, ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về ATTP của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân tham gia SXKD nông sản thực phẩm được nâng lên rõ rệt. Việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong SXKD, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn… ngày một phổ biến.
Qua khảo sát của cơ quan chức năng, tỷ lệ người quản lý, lãnh đạo hiểu và thực hành đúng về ATTP từ 80% năm 2011 đã tăng lên 100% năm 2021; người SXKD thực phẩm từ 75% lên 85,1%; người tiêu dùng từ dưới 60% lên 85,8%.
Đã phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội trong tuyên truyền, vận động, giám sát việc bảo đảm ATTP; biểu dương các điển hình tiên tiến trong SXKD nông sản TPAT và đấu tranh, lên án, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP.
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Trong mấy năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào; tỷ lệ các mẫu sản phẩm đảm bảo quy định về ATTP đều tăng, số mẫu không đảm bảo quy định giảm đáng kể; không phát hiện chất cấm trong các mẫu nông sản được giám sát.
Kết quả trên cho thấy, việc thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư đã đem lại nhiều kết quả tích cực về ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc đảm bảo chất lượng ATTP.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy và chính quyền một số nơi còn chưa sâu sát; việc quán triệt thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác VSATTP chưa thường xuyên.
Công tác phối hợp liên ngành về ATTP có việc, cơ nơi còn chưa chặt chẽ, thống nhất. Hoạt động quản lý ATTP ở một số xã, phường còn bất cập; đặc biệt là quản lý sử dụng hóa chất bị cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm ở các đối tượng sản xuất nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố và ATTP tại các chợ, vệ sinh thú y trong giết mổ; vẫn còn hiện tượng chưa thực hiện tốt việc kiểm soát, ngăn chặn triệt để các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi, không đảm bảo an toàn...
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện “Tuyên truyền, vận động SXKD nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2022- 2025” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Nội dung của kế hoạch là tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về SXKD nông lâm thủy sản, thực phẩm chất lượng, an toàn; nâng cao nhận thức, kiến thức cho người tiêu dùng về ATTP.
Triển khai việc ký cam kết SXKD thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn đối với các cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ.
Hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sơ chế, chế biến sản phẩm đặc thù OCOP; áp dụng quy trình, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo ATTP; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn.
Đồng thời, tập huấn kiến thức về ATTP, kỹ năng kinh doanh, marketing tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ kết nối cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết SXKD thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; 100% các cơ sở SXKD nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc ký cam kết tuân thủ quy định về ATTP.
Xây dựng, nhân rộng các mô hình về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc thù OCOP; áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm ATTP trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh.
100% cấp hội cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ tiên tiến vào tuyên truyền, vận động, giám sát SXKD nông sản ATTP.
Để đạt được mục tiêu này, cùng với sự vào cuộc của các cấp các ngành trong việc triển khai cơ chế, chính sách của tỉnh, rất cần tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của người SXKD và người tiêu dùng vì lợi ích của chính mình và góp phần vì một nền nông nghiệp sạch, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.