Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp do nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi xanh

Các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã được cung cấp những thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật, cách thức thúc đẩy tăng trưởng xanh cũng như các sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

 Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Những thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi xanh" do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Công ty cổ phần Chứng khoán VPS tổ chức ngày 10/7, tại Hà Nội.

CHUYỂN ĐỔI XANH LÀ ĐIỀU TẤT YẾU

Khai mạc hội thảo, bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) cho biết, chuyển đổi xanh không còn được xem là một xu thế mà đang được các nước nhìn nhận và đánh giá là một điều tất yếu nếu các nước muốn phát triển, tham gia sân chơi toàn cầu. Cùng với nỗ lực chung Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin, nguồn lực để có thể từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và bền vững.

 Bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC)

Bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC)

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cũng cho rằng, chuyển đổi xanh đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) không thể đứng ngoài cuộc. Sức chịu tải của trái đất là hữu hạn, nên cần phải chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế phù hợp hay chuyển đổi xanh có sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chuyển đổi xanh vừa là thách thức và là cơ hội. Việt Nam chưa thực sự có chính sách cụ thể về Chuyển đổi xanh mà được lồng ghép vào các chính sách biến đổi khí hậu hay chuyển đổi năng lượng công bằng.

Tuy nhiên theo ông Linh, chuyển đổi xanh chỉ mang lại tác động khi được triển khai ở quy mô lớn, có tính bao trùm và hệ thống - để thấy rõ được lợi ích, lĩnh vực công (mua sắm công xanh) cần tạo lực đẩy để lĩnh vực tư tham gia. Chuyển đổi xanh vừa là quá trình, vừa là mục tiêu. Vì vậy, cần thường xuyên đánh giá, giám sát để có những điều chỉnh cần thiết, kịp thời. Mục tiêu chuyển đổi xanh phải được thực hiện trong sản xuất, tiêu dùng và loại bỏ.

TS Linh cũng khẳng định, để đạt được mục tiêu bao trùm, công bằng trong quá trình chuyển đổi công xanh cần có các chỉ tiêu, chỉ số giám sát đánh giá cụ thể đối với các khía cạnh như kinh tế, môi trường và xã hội.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH SẢN XUẤT XANH

 Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường

Đưa ra giải pháp tổng thể cho vấn đề chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Linh cho rằng cần thực hiện đồng thời 04 nhóm sau. Thứ nhất, sự cam kết và tham gia chủ động của Nhà nước trong xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện các hành động liên quan đến việc chuyển đổi (ví dụ, chuyển đổi năng lượng). Thứ hai, đảm bảo nguồn lực, dòng ngân sách để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi (ví dụ, phát triển năng lượng tái tạo, việc làm xanh, công nghệ các-bon thấp, doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh. Thứ ba, sự tham gia, hợp tác của nhiều bên để thúc đẩy các hành động chuyển đổi từ các khía cạnh khác nhau (kinh tế-xã hội-môi trường...). Thứ tư, đảm bảo đa dạng sinh kế, hoạt động kinh tế cho các hành động chuyển đổi, trong đó sinh kế của các nhóm chịu tác động trực tiếp từ quá trình chuyển đổi năng lượng (ví dụ từ nhiệt điện sang điện gió, điện mặt trời...).

Riêng đối với các doanh nghiệp, bà Mai Thị Diệu Huyền cho rằng,các doanh nghiệp phải có sự thay đổi về nhận thức của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Tiếp đó là từng bước thực hiện "chuyển đổi xanh" trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh như đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới giảm tiêu hao năng lượng; thay đổi quy trình sản xuất, vận hành; tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh…

 Bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Khối trải nghiệm khách hàng, Công ty CP Chứng khoán VPS

Bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Khối trải nghiệm khách hàng, Công ty CP Chứng khoán VPS

Đi sâu vào chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Khối trải nghiệm khách hàng, Công ty CP Chứng khoán VPS chia sẻ, để hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trên hành trình chuyển đổi xanh, VPS sẽ đưa ra chiến lược "4 Trao". Thứ nhất là trao quyền bằng cách khuyến khích và hỗ trợ nữ doanh nhân đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cộng đồng kinh doanh. Thứ hai là trao cơ hội bằng cách tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp do nữ giới làm chủ. Thứ ba là trao kiến thức: Cung cấp các chương trình đào tạo và cố vấn để trang bị cho nữ doanh nhân những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong quản lý và phát triển doanh nghiệp bền vững. Thứ tư là trao môi trường: Xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng và thân thiện; tạo lập mạng lưới kết nối giữa các nữ chủ doanh nghiệp để cùng chia sẻ, hỗ trợ và phát triển.

Hội thảo "Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi xanh" là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Empower: Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuyển đổi xanh" do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tài trợ.

Bà Parimita Mohanty - Quản lý Chương trình về Năng lượng tái tạo, Khối Tài chính, Ban Biến đổi khí hậu, Văn phòng khu vực châu Á, Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP)

Chia sẻ về mục đích của dự án, bà Parimita Mohanty - Quản lý Chương trình về Năng lượng tái tạo, Khối Tài chính, Ban Biến đổi khí hậu, Văn phòng khu vực châu Á, Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, thay vì hỗ trợ trực tiếp, dự án hỗ trợ gián tiếp cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ bằng cách làm việc với các tổ chức tài chính và ngân hàng để hỗ trợ việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ bảo lãnh. Thậm chí dự án còn kết nối các nhà đầu tư cho doanh nghiệp, kể cả việc đào tạo để giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đàm phán, trao đổi với các nhà đầu tư.

Hường Hồ

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/thuc-day-su-tham-gia-cua-doanh-nghiep-do-nu-lam-chu-trong-qua-trinh-chuyen-doi-xanh-post553244.html