Thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp

Trong 9 tháng, công nghiệp của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 36,39% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng hiện nay thiếu cân đối, chưa thật sự bền vững nên cần có thêm những giải pháp...

Tăng trưởng chưa đều

Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 9 ước tăng 2,43% so với tháng trước và tăng 17,92% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng ở các ngành đang có những thay đổi đáng lưu tâm. Lĩnh vực công nghiệp khai khoáng tăng 4,49% so với tháng trước nhưng giảm 22,31% so với cùng kỳ năm 2023; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,45% so với tháng 8, song lại giảm 4,37% so với cùng kỳ năm trước… Một số ngành công nghiệp trọng điểm thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 2,63% so với tháng trước nhưng lại giảm 63,15% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất đồ uống tăng 23,53% so với tháng 8 nhưng so với cùng kỳ năm 2023 giảm sâu tới 40,09%...

Theo ông Nguyễn Quang Duy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, Tổng Giám đốc DT Group, thời gian qua, nhu cầu của thị trường giảm, tình hình kinh tế có nhiều biến động. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng rất lớn. Sức mua giảm, nhiều DN tăng lượng hàng tồn kho. Phần lớn DN đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra. Về đầu ra, nhu cầu thị trường trong nước thấp và tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Hoạt động sản xuất tại DT Group.

Hoạt động sản xuất tại DT Group.

Tính trong 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh vẫn có mức tăng trưởng khá cao, với 36,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất và phân phối điện tăng gấp 2,96 lần (sản lượng điện sản xuất gấp 3,76 lần, điện thương phẩm tăng 15,21%). Lĩnh vực cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng tăng hơn 9%. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này được đánh giá chưa thật sự bền vững, mất cân bằng, đặc biệt là có xu hướng chậm lại, giảm dần và phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực sản xuất điện, nếu như 6 tháng tăng 48,18% thì 7 tháng tăng 43,25%, 8 tháng tăng 39,21% và 9 tháng tăng 36,39% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, trong 9 tháng năm 2024, tình hình sản xuất của các DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về thị trường. Do đơn hàng của các đối tác thương mại lớn sụt giảm đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 36,39% nhưng mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào vận hành thương mại khiến cho chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ cho công nghiệp.

Tập trung phát triển theo chiều sâu

Chính vì mức tăng trưởng của công nghiệp đang phụ thuộc rất lớn vào ngành Điện nên các chuyên gia kinh tế đánh giá các tháng cuối năm và sang năm 2025, công nghiệp Khánh Hòa sẽ gặp những khó nhất nhất định trong tăng trưởng. Để tạo ra sự cân đối trong lĩnh vực công nghiệp, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm duy trì mức tăng trưởng và làm động lực cho những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để duy trì mức tăng trưởng ổn định cho công nghiệp, Sở Công Thương đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN đã thành lập, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất vào CCN, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng CCN, dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN theo quy hoạch đã được duyệt để sớm đưa vào vận hành.

Đồng chí Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành nghề chế biến, chế tạo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ áp dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ mới phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua kế hoạch khuyến công địa phương. Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Thủy, Khu Công nghiệp Dốc Đá Trắng; các CCN Diên Thọ, Trảng É 2, Ninh Xuân… Tỉnh cũng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu mới tại các nhà máy sản xuất trong các CCN. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư vào Khu Công nghiệp Nam Cam Ranh, CCN Cam Thành Nam, Cam Thịnh Đông và các khu công nghiệp, CCN theo quy hoạch được duyệt.

ĐÌNH LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202410/thuc-day-tang-truong-cong-nghiep-18d2b8f/