Thúc đẩy tăng trưởng thương mại, dịch vụ

Đến nay, hạ tầng thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện Văn Bàn đã có bước phát triển và đang đóng góp vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân.

Huyện Văn Bàn khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán... phát triển kinh doanh, dịch vụ.

Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Văn Công, Phó Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Văn Bàn cho biết: Những năm qua, huyện Văn Bàn đã triển khai nhiều giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và kêu gọi thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ. Trong đó, tập trung huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư, nâng cấp, xây dựng hạ tầng thương mại, dịch vụ, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, tham gia kinh doanh và khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán đầu tư mở rộng, phát triển ngành nghề kinh doanh... Nhờ vậy, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện phát triển khá ổn định, hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, việc mua bán, giao thương sản phẩm hàng hóa của địa phương luôn được tạo điều kiện và hiệu quả.

Huyện Văn Bàn hiện có khoảng 1.520 cơ sở và doanh nghiệp hoạt động thương mại, dịch vụ, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách, nhà hàng - khách sạn, kinh doanh xe máy và sửa chữa xe máy, kinh doanh điện tử - điện lạnh, kinh doanh tạp hóa... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 1.656 lao động địa phương.

Bên cạnh phát triển về số lượng, chất lượng các cơ sở hoạt động thương mại thì hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại tiếp tục được đầu tư. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và cơ sở được đầu tư kinh doanh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp như siêu thị Điện máy Xanh, siêu thị Trần Xuyên, siêu thị mini Quỳnh Anh, trung tâm điện máy Hải Đăng, trung tâm điện máy Hải Huyền, trung tâm điện máy Sự Mỵ, trung tâm điện máy Toàn Hiền, trung tâm điện máy Tuấn Anh, cửa hàng kinh doanh tổng hợp Phi Nga... Sự góp mặt của các cơ sở, hệ thống thương mại, siêu thị trên không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân, mà còn tạo diện mạo mới cho địa phương, thêm cơ hội để người dân được tiếp cận và lựa chọn nhiều loại hàng hóa theo nhu cầu.

Cùng với đó, huyện quan tâm phát triển mạng lưới chợ nông thôn và hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas đảm bảo hài hòa, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Đến nay, trên địa bàn huyện có 5 chợ hạng 3 đang hoạt động tốt gồm: Chợ Minh Lương, chợ trung tâm huyện, chợ Khánh Yên Hạ, chợ Võ Lao, chợ Văn Sơn. Về hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu, hiện toàn huyện có 12 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động, bao phủ ở các xã, thị trấn trên địa bàn; có 36 cửa hàng kinh doanh bán lẻ gas trải rộng trên địa bàn các xã, thị trấn.

Đặc biệt, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp được huyện hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến công, phát triển thương mại điện tử, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng thiết bị hiện đại vào kinh doanh. Các loại hình dịch vụ mới như hình thức giao dịch, mua bán sản phẩm, dịch vụ trực tuyến, bán hàng online, thanh toán online khá phổ biến và hình thức thanh toán điện tử được ứng dụng.

Theo ông Phùng Văn Công, Phó Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Văn Bàn, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực thương mại, dịch vụ của huyện vẫn còn khó khăn, như hệ thống chợ tuy đã được đầu tư, nhưng qua thời gian khai thác đã xuống cấp và quá tải như chợ Võ Lao, chợ trung tâm huyện. Việc kêu gọi, thu hút các đơn vị, doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, kinh doanh lĩnh vực thương mại, dịch vụ còn “khiêm tốn” hơn các lĩnh vực khác; hệ thống cơ sở kinh doanh còn nhỏ lẻ, chưa có cơ sở quy mô lớn; hoạt động mua bán, tiêu thụ sản phẩm tại các chợ chủ yếu là các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt còn nhỏ lẻ từ các hộ gia đình, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định; một số cơ sở ý thức chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm trong kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, chưa kiểm soát tốt thời hạn sử dụng của sản phẩm...

Thời gian tới, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại, dịch vụ trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản địa phương và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng; kiểm soát tốt chất lượng, giá cả, đặc biệt chú trọng tới phương thức bán hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà, cửa hàng tự chọn; khuyến khích, hỗ trợ hoạt động thương mại, dịch vụ theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp; tăng cường quản lý các chợ trên địa bàn...

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353952-thuc-day-tang-truong-thuong-mai-dich-vu