Thúc đẩy tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ

Cùng với sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ ngày càng tăng. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu, nhất là phụ phẩm nông nghiệp trong tỉnh khá dồi dào. Đây là những lợi thế rất lớn để các đơn vị, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ phát triển.

Sản xuất phân hữu cơ tại HTX Dịch vụ môi trường Sơn Lôi (Bình Xuyên). Ảnh: Thế Hùng

Sản xuất phân hữu cơ tại HTX Dịch vụ môi trường Sơn Lôi (Bình Xuyên). Ảnh: Thế Hùng

Nhu cầu tăng nhanh

Những năm gần đây, tỉnh ta đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển. Qua đó, các hộ dân nắm được quy trình thực hành nông nghiệp tốt, quy trình canh tác hữu cơ, tích cực sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học thay thế cho phân bón hóa học.

Tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng rau, củ, quả an toàn theo hướng VietGAP, hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt trên 4.900 ha. Ngoài ra, các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã và đang được triển khai và nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ được xem là tất yếu của ngành nông nghiệp. Việc đưa phân bón hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp không phải là trào lưu mà là yêu cầu bắt buộc để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và an toàn. Theo đó, cùng với sự gia tăng của diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap, hướng hữu cơ, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng tăng.

Là một trong những địa phương đã triển khai mô hình sản xuất lúa hữu ngay từ năm 2019, đến nay, bà con xã Tân Phong (Bình Xuyên) đã dần quen với phương thức canh tác mới, đặc biệt là việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ.

Với 20 ha lúa đang được trồng chăm sóc theo hướng hữu cơ, ước tính trong vụ mùa 2022 này, Tân Phong sử dụng trên 30 tấn phân bón lót và phân bón thúc hữu cơ. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Ông Đặng Văn Tắc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong chia sẻ: “Khác với phân vô cơ dễ khiến đất bị chua, bạc màu, phân hữu cơ giúp cải tạo đất, làm cho đất tơi xốp, tăng khả năng giữ đổ ẩm và tăng cường sự hoạt động của các vi sinh vật trong đất, cân bằng chất dinh dưỡng trong đất… ”

Khai thác tiềm năng

Không chỉ có tiềm năng về thị trường tiêu thụ, với quy mô chăn nuôi hiện nay, ước tính mỗi năm trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 1,5 triệu tấn chất thải (chất thải rắn) từ đàn gia súc, gia cầm được thải ra. Cùng với đó là một lượng lớn phụ phẩm trong trồng trọt như rơm, dạ, đầu rau củ... Đây được coi là nguồn nguyên liệu lớn có thể tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ.

Trên thực tế, ngoài hai nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đơn vị tham gia vào sản xuất phân bón hữu cơ như HTX Tài Yên, xã Hướng Đạo (Tam Dương), HTX môi trường và dịch vụ tổng hợp Anh Đăng, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường), HTX dịch vụ môi trường xã Tân Phong (Bình Xuyên)…. Thậm chí, với nguồn nguyên liệu sẵn có, nhiều nông hộ cũng chủ động sản xuất phân bón hữu cơ tái phục vụ sản xuất nông nghiệp của chính gia đình mình.

Chia sẻ về tiềm năng phát triển của phân bón hữu cơ, bà Nguyễn Thị Bổng, Giám đốc HTX Tài Yên cho biết: Hiện nay, tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn so với phân bón vô cơ. Song, cùng với các chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, tỉ lệ này đang ngày càng được nâng lên. Đây là cơ hội rất lớn để các đơn vị sản xuất phân hữu cơ như chúng tôi có thể thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với lợi thế gần vùng trọng điểm về chăn nuôi gà là Thanh Vân (Tam Dương), năm 2019, bà Bổng đã đứng ra thành lập HTX, đầu tư máy móc trang thiết bị bắt đầu sản xuất phân bón hữu cơ. Từ chỗ phải đi tới từng trang trại để giới thiệu sản phẩm, sau hơn 2 năm ra mắt thị trường, đến nay, sản phẩm phân bón hữu cơ của HTX Tài Yên đã có mặt tại nhiều địa phương Phú Thọ, Hà Nội, Tuyên Quang, Lào Cai… với sản lượng tiêu thụ bình quân 50 tấn/tháng.

Bà Bổng cho biết: “Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, ngoài 2 sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu là phân bón hữu cơ Nông Điền 25 và phân bón hữu cơ Nông Điền 32, HTX tiếp tục đầu tư máy móc trang thiết bị nhằm đưa ra thị trường những dòng sản phẩm cao cấp với hàm lượng dinh dưỡng cao hơn”.

Tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ là rất lớn, song để biến tiềm năng thành thế mạnh, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ, các đơn vị, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ, nhằm nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong đơn vị phân bón, tác động nhanh đến sinh trưởng cây trồng, hạ giá thành sản phẩm.

Đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông giúp nâng cao nhận thức, tư duy cho nông dân về cách sử dụng cũng như tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82401/thuc-day-tiem-nang-san-xuat-phan-bon-huu-co.html