Thúc đẩy tiếp cận hệ thống chỉ báo đo lường bình đẳng giới ở Việt Nam

Sáng 9/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học: 'Tiếp cận, lý thuyết, phương pháp và hệ thống chỉ báo đo lường bình đẳng giới'.

Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa diễu hành trên phố với trang phục áo dài truyền thống và nón lá. Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN.

Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa diễu hành trên phố với trang phục áo dài truyền thống và nón lá. Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các cam kết về bình đẳng giới, đảm bảo quyền cho phụ nữ và phát triển bền vững cũng như thực thi các quan điểm, định hướng thúc đẩy bình đẳng giới của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

Trong 10 năm tới, Việt Nam cần nhận diện thực trạng bình đẳng giới một cách sâu rộng để có giải pháp hiệu quả đạt được các mục tiêu bình đẳng giới vào năm 2030 trong mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được Liên hợp quốc thông qua cũng như đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ) với 8 mục liên quan đến bình đẳng giới.

Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, việc triển khai nhiệm vụ cấp quốc gia “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững”, trong đó có Điều tra quốc gia về bình đẳng giới là cần thiết cả về lý luận và thực tiễn góp phần làm rõ thực trạng quan hệ giới và những tiến bộ của nam giới và phụ nữ trên các lĩnh vực, cho phép phân tích những cơ hội và rào cản, cung cấp căn cứ xây dựng các khuyến nghị chính sách về bình đẳng giới, phát triển kinh tế- xã hội phù hợp trong giai đoạn tới.

Giới thiệu về Điều tra quốc gia về bình đẳng giới 2023, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết, Điều tra quốc gia về bình đẳng giới 2023 thuộc đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững” được thực hiện lần đầu tiên, với cỡ mẫu dự kiến 9.000 người, tại 48 xã, phường của 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mục tiêu của đề tài làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới; xây dựng hệ thống thông tin cơ bản, toàn diện về bình đẳng giới nhằm cung cấp dữ liệu đầu vào cho việc đánh giá việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng như mục tiêu bình đẳng giới và phát triển bền vững của Việt Nam; đánh giá toàn diện, tổng thể về thực trạng bình đẳng giới trên các lĩnh vực. Đề tài đã đề xuất giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Theo đó, các chỉ báo đo lường dự kiến gồm xây dựng hệ thống chỉ báo về bình đẳng giới trong (chính trị, lãnh đạo quản lý; giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; kinh tế, lao động, việc làm; chăm sóc sức khỏe; gia đình; ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và thảm họa môi trường).

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi khẳng định, đề tài sẽ đóng góp dự kiến thúc đẩy việc thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới cung cấp luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam về bình đẳng giới, phát triển bền vững và các báo cáo thực hiện định kỳ theo yêu cầu; góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: đánh giá cung cấp các luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng và đổi mới đất nước. Đề tài cũng phục vụ việc rà soát, tổng kết về kết quả bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật về hôn nhân, gia đình và các lĩnh vực văn hóa - xã hội; cung cấp số liệu để đánh giá kết quả việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; cũng như giải quyết một số vấn đề cấp thiết về bình đẳng giới thúc đẩy xã hội phát triển bền vững đến năm 2030.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: Vấn đề giới trong an sinh xã hội: thực trạng và khoảng trống đang đặt ra; tiếp cận và đo lường bình đẳng giới ở Việt Nam; bản đồ hóa các số liệu điều tra quốc gia có số liệu tách biệt giới hiện nay… Từ đó, các đại biểu đề xuất thúc đẩy khung chính sách pháp luật về bình đẳng giới và thực tiễn thực thi, trong đó nhấn mạnh hướng tiếp cận xây dựng hệ thống chỉ báo đo lường bình đẳng giới đảm bảo tin cậy, bao trùm, khả thi và mang tính hội nhập trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội

Diệu Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thuc-day-tiep-can-he-thong-chi-bao-do-luong-binh-dang-gioi-o-viet-nam-20230609115926841.htm