Thúc đẩy tiêu dùng và giải ngân vốn đầu tư công

Những tháng cuối năm 2023 dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều rủi ro, bất định. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 gặp nhiều khó khăn, trong đó mục tiêu tăng trưởng năm 2023 (khoảng 6,5%) là thách thức lớn.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với cộng đồng DN đang gặp phải là nguồn lực cho sự phát triển của DN, tiếp cận tín dụng, tìm kiếm về thị trường bên ngoài. Theo Tổng cục Thống kê, một số yếu tố được xác định đóng góp tích cực vào tăng trưởng những tháng cuối năm là việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động áp dụng từ 1/7.

Hoạt động xuất khẩu dự báo sẽ phục hồi tốt hơn vào những tháng cuối năm.

Hoạt động xuất khẩu dự báo sẽ phục hồi tốt hơn vào những tháng cuối năm.

Chính sách giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; ngành du lịch sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm; đầu tư công được đẩy mạnh, tạo tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, cơ hội XK gạo sang các thị trường tiềm năng. Đặc biệt là niềm tin của DN về xu hướng kinh doanh những quý sau đã tốt hơn quý trước. "Nói như vậy nhưng không có nghĩa tình hình trong nước chỉ toàn màu hồng. Khu vực DN trong nước vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như chi phí sản xuất đầu vào tăng cao trong khi thị trường lao động gặp khó khăn…", bà Hương nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, ông Lê Duy Bình cho rằng, bên cạnh XK, tiêu dùng thì chúng ta phải trông chờ rất nhiều vào hoạt động giải ngân vốn đầu tư công, như vậy cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải ngân được gần khoảng 800 ngàn tỷ đồng. Trong 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 49,4% kế hoạch, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là xu hướng tích cực tiếp đà cho các tháng cuối năm. Từ ngay đến cuối năm, các công đoạn trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cần phải được giải quyết nhanh và thúc đẩy tiến độ. Cùng với đó phải tính toán đến việc thực hiện trong năm 2024, cải cách thủ tục để khơi thông các dự án, công trình.

Để duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 8 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, kinh tế nước ta cần tiếp tục đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy "cỗ xe tam mã" (tiêu dùng, đầu tư và XK) để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm.

Theo đó, để kích cầu tiêu dùng, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng XK chậm lại, nhiều DN đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng..., ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023. Theo đó, cần thực hiện chính sách giảm thuế VAT, giảm giá hàng hóa, điều chỉnh tăng lương, giảm thuế thu nhập cá nhân… nhằm đẩy mạnh sức mua trong nước.

Để kích cầu đầu tư, cùng lúc phải thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân thông qua việc ưu tiên đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, có tiềm năng đóng góp vào tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; công khai danh mục đầu tư; triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn và tháo gỡ khó khăn cho DN.

Để thúc đẩy XK, duy trì thặng dư thương mại bền vững, nhiều dự báo cho thấy hoạt động XK sẽ phục hồi tốt hơn vào những tháng cuối năm do lượng tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ giảm đáng kể trong thời gian qua. Do đó, DN cần tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh XK. Về phía Chính phủ, cần giảm các loại phí và hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường mới, tận dụng tốt những hiệp định thương mại tự do đã ký kết, xúc tiến thương mại hiệu quả...

Ông Phạm Ngọc Thạch cho rằng, nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ trong đảm bảo kinh tế vĩ mô, đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy, cắt giảm chi phí cho DN, giảm một loạt thuế, phí, trong đó việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các DN sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn này thì mở ra những cơ hội mới cho DN.

Phan Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/thuc-day-tieu-dung-va-giai-ngan-von-dau-tu-cong-i708317/