Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm thế mạnh

Bên cạnh tổ chức các hội nghị, hội chợ thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, các ngành chức năng tỉnh còn có nhiều hoạt động nhằm kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm thế mạnh của địa phương vào các kênh phân phối hiện đại. Qua đó, hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng, miền theo hướng hiện đại, bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Long An hỗ trợ hơn 300 lượt doanh nghiệp tham gia các sự kiện kết nối giao thương

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Long An hỗ trợ hơn 300 lượt doanh nghiệp tham gia các sự kiện kết nối giao thương

Liên kết, hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, tỉnh Long An luôn chú trọng đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản.

Đặc biệt, tỉnh tăng cường kết nối, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ với các tỉnh, TP.HCM để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn vào kênh phân phối hiện đại của TP.HCM (siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng sản phẩm sạch,...).

Thông tin từ Sở Công Thương, hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn của TP.HCM đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất, phát triển các cơ sở phân phối, giúp gắn kết và hợp tác hiệu quả từ thu mua, tiêu thụ sản phẩm, bình ổn thị trường tại địa phương.

Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và liên kết tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh với thị trường TP.HCM diễn ra thường xuyên, bình quân từ 5-10 sự kiện/năm. Đây là các sự kiện lớn, chuyên ngành và mang tầm quốc tế, giúp DN quảng bá sản phẩm, phát triển xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM thường xuyên thông tin, giới thiệu, kết nối nguồn hàng của các DN trong tỉnh với các đơn vị, DN trong và ngoài nước có nhu cầu trên nhiều lĩnh vực hàng hóa, logistics,…; hỗ trợ các DN của tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài theo chương trình của TP.HCM; phối hợp thực hiện, tạo thuận lợi cho DN tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM cũng như kịp thời định hướng, thông tin các quy định kiểm soát an toàn thực phẩm khi cung ứng hàng hóa vào thị trường TP.HCM.

Nhiều hàng hóa nông sản của tỉnh tham gia, duy trì cung cấp vào các kênh phân phối tại TP.HCM như chợ đầu mối Bình Điền khoảng 200 tấn/đêm; chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 140-160 tấn/đêm; cung ứng vào các siêu thị, nhà hàng, các chuỗi cửa hàng tiện ích tại TP.HCM.

Lãnh đạo Sở Công Thương khảo sát các gian hàng của Công ty TNHH Một thành viên Kim Ngọc Food tại hội chợ thương mại được tổ chức ở TP.HCM

Lãnh đạo Sở Công Thương khảo sát các gian hàng của Công ty TNHH Một thành viên Kim Ngọc Food tại hội chợ thương mại được tổ chức ở TP.HCM

Cùng với đó, thời gian qua, Sở duy trì mối liên hệ thường xuyên với các hệ thống phân phối như Co.opMart, Go!, San Hà, siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang), các chợ đầu mối,... để kết nối tiêu thụ, tăng lượng mua hàng hóa nông sản của địa phương. Lũy kế đến nay, các DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thực hiện được 282 hợp đồng cung ứng hàng hóa với DN các tỉnh và TP.HCM.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường, phát triển giao dịch thương mại điện tử trên các sàn thương mại điện tử uy tín.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ thông tin: Sở đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Dịch vụ EB (EBS) - đại diện Central Retail và Công nghệ OSB - đại diện Sàn thương mại điện tử Alibaba.com về nghiên cứu, triển khai các dự án tại tỉnh, thúc đẩy giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa của tỉnh vào hệ thống phân phối của các DN.

Đến nay, đã có 24 DN của tỉnh hợp tác với Central Retail Việt Nam; 30 DN của tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Alibaba.com. Central Retail hỗ trợ DN của tỉnh tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Trung tâm thương mại của Tập đoàn Central Retail Thái Lan.

"6 tháng đầu năm 2024, tỉnh hỗ trợ hơn 300 lượt DN tham gia các sự kiện kết nối giao thương với các DN, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến. Các hàng hóa được giới thiệu, kết nối giao thương thường là các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hoặc các sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP,... nhằm bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đáp ứng tốt các quy định về an toàn thực phẩm”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Trần Thanh Toản

"Sản phẩm Mắm cá Cô Sáu Chung được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đây là niềm vui và tự hào của gia đình. Từ khi tham gia xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm của gia đình tôi được tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, đến gần hơn với người tiêu dùng, số lượng sản phẩm bán ra cũng nhiều hơn”.

Chủ cơ sở Mắm cá Cô Sáu Chung (huyện Mộc Hóa) - Lương Thu Thùy

"Công ty hiện có 8 sản phẩm OCOP 3 sao (lạp xưởng, chả giò) được tiêu thụ tại khắp các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam, nhiều nhất là ở các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ và TP.Hà Nội. Nhờ sự kết nối của Sở Công Thương mà công ty có điều kiện tham gia nhiều hội chợ, từ đó các sản phẩm của công ty được quảng bá, kết nối tiêu thụ. Hiện nay, một số sản phẩm của công ty được bày bán tại hệ thống của Bách Hóa Xanh và San Hà”.

Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Kim Ngọc Food (TP.Tân An) - Lê Ca Bin

Nâng cao chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Trần Thị Mộng Thúy, bên cạnh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đến cuối tháng 8/2024, toàn tỉnh có 210 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP (47 sản phẩm 4 sao, 163 sản phẩm 3 sao).

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 197 hợp tác xã hoạt động với hơn 5.600 thành viên. Các hợp tác xã góp phần không nhỏ vào việc khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương. Từ đó, lan tỏa những sản phẩm đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Giao diện website Hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Long An

Giao diện website Hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Long An

Mặt khác, nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn và sự minh bạch của sản phẩm, hàng hóa, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Long An và đưa vào hoạt động tại địa chỉ truy cập txng.longan.gov.vn và ứng dụng truy xuất nguồn gốc Long An trên kho ứng dụng của điện thoại thông minh. Hệ thống cũng được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

“Nhằm tiếp tục kích cầu tiêu dùng trên địa bàn, hỗ trợ kết nối giao thương tìm thị trường đầu ra cho nông sản, những tháng cuối năm nay, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất, nhập khẩu Long An năm 2024 (tháng 11/2024); triển khai hỗ trợ 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tham gia kết nối cung - cầu tại siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang), TP.HCM,...” - bà Châu Thị Lệ thông tin thêm./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thu-c-da-y-tieu-thu-nong-san-san-pham-the-ma-nh-a182299.html