Thúc đẩy tiêu thụ nông sản vụ Đông khu vực Đồng bằng sông Hồng
Diễn đàn sẽ giúp doanh nghiệp, người sản xuất định hướng tiếp cận thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, thủy sản vụ đông trong thời gian tới.
Ngày 4/12, tại thành phố Hải Dương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội nông dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản vụ Đông, rau gia vị khu vực Đồng bằng sông Hồng.”
Diễn đàn thu hút gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông thủy sản tỉnh Hải Dương và khu vực phía Bắc, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nội...
Diễn đàn cung cấp thông tin về tình hình sản xuất vụ Đông, giới thiệu tiềm năng, sản lượng nông sản vụ đông các tỉnh phía Bắc; phổ biến yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản... Qua đó, diễn đàn sẽ giúp doanh nghiệp, người sản xuất định hướng tiếp cận thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, thủy sản vụ Đông trong thời gian tới.
Vụ Đông là vụ sản xuất đặc trưng và quan trọng của các tỉnh phía Bắc. Năm 2020, các tỉnh phía Bắc đặt mục tiêu gieo trồng từ 420.000-450.000 hecta cây vụ Đông, tăng khoảng 10-20% diện tích so với vụ Đông năm 2019. Sản lượng phấn đấu đạt khoảng 4,6 triệu đến 4,9 triệu tấn, tăng từ 10-15% so với vụ Đông năm 2019. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34-36.000 tỷ đồng.
Trong số đó, các tỉnh đồng bằng sông Hồng chiếm khoảng 41% diện tích cây vụ Đông. Những loại cây trồng phổ biến là ngô, đậu tương, lạc, khoai tây, khoai lang, rau màu các loại. Nông sản chủ yếu tiêu thụ nội địa, một phần dành cho xuất khẩu.
Để nâng cao giá trị cho sản xuất vụ Đông, theo đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong vụ Đông 2020, các tỉnh cần tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục đa dạng hóa những nhóm cây trồng khác, đặc biệt chú trọng trồng rải vụ để giảm áp lực tiêu thụ; mở rộng diện tích tiêu thụ các loại rau có thị trường tiêu thụ tốt như dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây, cây dược liệu, các loại nấm…
Cùng với đó, cần bố trí hợp lý cơ cấu nhóm cây ưa ấm, ưa lạnh, nhóm cây có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh sản xuất rau tại các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, có đầu ra tốt, ổn định; sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa cho biết, trong những năm gần đây, hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng thứ 16 thế giới về xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành cường quốc về xuất khẩu rau quả, đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu rau quả với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD. Khó khăn đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam hiện nay là khâu chế biến, sơ chế, bảo quản đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng đề án về chế biến rau củ quả, góp phần gia tăng giá trị cho nông sản xuất khẩu.
Hải Dương là một trong 3 tỉnh có diện tích cây vụ đông lớn nhất đồng bằng sông Hồng. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Trần Văn Quân, vụ Đông năm 2020, tỉnh phấn đấu tăng 10% diện tích cây vụ Đông, ước vụ đông năm nay toàn tỉnh sẽ gieo khoảng 23.000 hecta. Năng suất dự kiến 253 tạ/hecta, sản lượng khoảng 468.000 tấn, cao hơn 41.000 tấn so với vụ Đông năm trước.
Với phương châm “Hướng vào giá trị làm mục tiêu sản xuất”, Hải Dương tiếp tục phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, dễ tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực như hành, cà rốt, củ đậu, cải bắp, su hào... nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ chủ động điều chỉnh cơ cấu diện tích cây trồng để khai thác cơ hội và hạn chế khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của COVID-19; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ qua hợp đồng; xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc nông sản…
Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung sản xuất rau củ đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe nhất để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đồng thời áp dụng nhiều cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp về với Hải Dương.
Tại diễn đàn, người sản xuất và các doanh nghiệp cũng được cung cấp thông tin về những yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu vào chuỗi siêu thị, cơ hội và thách thức với xuất khẩu nông sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bà Trần Thùy Dung đánh giá Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là cơ hội để hàng hóa nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng rau củ quả nói riêng tiếp cận với các thị trường lớn trên toàn cầu.
Trước những cơ hội, thách thức đặt ra, các doanh nghiệp cần cập nhật những kiến thức về hiệp định, nắm bắt và tận dụng các lợi thế về mặt phi thuế quan, các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Bên cạnh đó, cần tập trung vào chất lượng và đáp ứng 4 yêu cầu: mã số vùng trồng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý; bao bì, nhãn mác; công nghệ xử lý và chế biến nông sản để tăng giá cho nông sản; quy trình kiểm dịch.
Nhấn mạnh các cam kết của Hiệp định EVFTA là cam kết của chính phủ các nước, bà Dung cho rằng nếu có các vấn đề liên quan đến việc thực thi các biện pháp kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần liên hệ với các cơ quan quản lý có thẩm quyền, Văn phòng SPS Việt Nam để được hỗ trợ nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định.
Tại chương trình, đại diện một số chuỗi tiêu thụ lớn, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh Hải Dương đã chia sẻ thông tin, cam kết đồng hành cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vụ đông của các địa phương./.