Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam
Sáng 8/12, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 'Thành tựu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam'.
Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 75 năm Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người (10/12/1948 - 10/12/2023), 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (25/6/1993 - 25/6/2023) và 75 năm Ngày Nhân quyền quốc tế (10/12/1948 - 10/12/2023).
Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, 75 năm qua, đặc biệt từ năm 1993, sau khi Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna được thông qua, thông điệp mạnh mẽ “tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền” của Tuyên ngôn đã không ngừng được ghi nhận, phát triển và hiện thực hóa đến mọi khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, nhờ đó, cuộc đấu tranh vì quyền con người của nhân loại đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Với truyền thống yêu chuộng hòa bình và công lý, là dân tộc đã phải trải quan hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam càng hiểu rõ giá trị cao quý của quyền con người và quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền công dân được ghi nhận, kế thừa và phát triển trong các Văn kiện Đại hội của Đảng qua các thời kỳ, gần đây nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng là: “Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.
Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc thực hiện các cam kết và hợp tác quốc tế, hoàn thiện pháp luật, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 Công ước cơ bản. Nội dung của các công ước đã được nội luật hóa kịp thời trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn.
Việt Nam đã chủ động nộp báo cáo rà soát định kỳ phổ quát lần 1, 2, 3 và các báo cáo quốc gia về tình hình thực thi nghĩa vụ đối với các công ước về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Gần đây nhất, vào ngày 29 - 30/11/2023, Việt Nam đã có phiên đối thoại quốc gia với Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.
“Việt Nam luôn chủ trương coi trọng việc đối thoại, hợp tác với các nước, đối tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi nhấn mạnh và khẳng định, các nguyên tắc, chuẩn mực về quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948; Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna năm 1993 đã được Việt Nam nỗ lực thực hiện, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận thể hiện ở tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học và các đại biểu đã tập trung làm rõ ý nghĩa, giá trị thời đại của Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người và ý nghĩa đối với Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững, vì con người, lấy con người làm trung tâm, mọi người tham gia và thụ hưởng.
Các nhà khoa học phân tích, đánh giá những thành tựu đạt được của Việt Nam trong việc bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, nhất là thông qua những kết quả của quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.
Một số tham luận tại Hội thảo đã phân tích, làm rõ những thuận lợi và thách thức trong việc bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới trong bối cảnh có nhiều thay đổi đang diễn ra nhanh chóng, nhất là trước tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Các đại biểu thảo luận đề xuất phương hướng và giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc giá phù hợp và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.